TĂNG HIỆU SUẤT SỬ DỤNG PHÂN BÓN

Theo các nghiên cứu, hiện nay hiệu suất sử dụng phân bón ở nước ta hiệu quả khá thấp, với đạm là 30 – 45%, lân 40 – 45% và kali 40 – 50%. Sử dụng phân bón không hiệu quả làm gia tăng chi phí SX, giảm lợi nhuận và gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Giảm lượng phân bón mà vẫn giữ nguyên năng suất cây trồng là công việc nhằm làm trong sạch môi trường sống, tăng giá trị nông sản hướng đến SX nông nghiệp sạch, bền vững.

Sử dụng phân bón phù hợp: Không đơn giản

Việc bón phân cho cây cần phải phụ thuộc nhiều yếu tố như tình trạng cây, môi trường khi bón, bản chất của từng loại phân. Như GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trường ĐH Cần Thơ ví von việc cung cấp phân bón cho cây cũng giống như việc ăn của con người.

Cây trồng phải được cung cấp một cách đầy đủ tất cả các dưỡng chất đa cũng như trung, vi lượng thì mới có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Cần xác định rõ dưỡng chất cây trồng đang thiếu để bổ sung cho phù hợp, tránh việc bón các loại phân không cần thiết sẽ dẫn đến việc dư thừa, lãng phí.

Một điểm cần lưu ý thêm là rễ hoặc lá của cây khi bị tổn thương thì sẽ giảm khả năng hấp thụ phân một cách rõ rệt, nếu bộ phận này của cây đang bị bệnh thì cần ưu tiên xử lý dứt điểm tình trạng này trước khi bón phân.

Môi trường xung quanh như đất, nước, thời tiết cũng là một trong các yếu tố quyết định đến thời điểm, cách thức bón phân. Vì cây trồng cần ánh sáng để quang hợp, chuyển đổi các chất vô cơ thành dạng hữu cơ nên các trao đổi chất chỉ xảy ra mạnh mẽ khi trời nắng, do đó cần hạn chế việc bón phân vào những ngày trời âm u.

Ngược lại ở vụ HT nhiệt độ ngoài trời lên đến 36 – 37 độ C, nhiệt độ trong nước là 41 độ  C, cây trồng bị stress nhiệt thì khả năng hút dưỡng chất của cây cũng giảm đáng kể. Thời điểm thích hợp nhất cho bón phân là vào các buổi sáng trời nắng, nhiệt độ khoảng 32oC.

Theo TS. Chu Văn Hách, Viện Lúa ĐBSCL, việc bón phân phải áp dụng theo quy tắc “6 đúng”. Ngoài “4 đúng” của sử dụng thuốc BVTV là đúng loại, đúng liều lượng, đúng phương pháp và đúng thời điểm thì còn “2 đúng” cần thực hiện là đúng mùa vụ và đúng loại đất.

Ở vụ ĐX với thời tiết thuận lợi, không có mưa bão, lượng nước tưới dồi dào, đây là mùa vụ có năng suất cao nhất cả năm, cần tăng lượng sử dụng của phân đạm. Ngược lại thời điểm vụ HT do khan hiếm về nước gây khó khăn trong việc ém phèn thì cần tăng lượng phân lân và giảm phân đạm.

Đối với loại đất phèn, ngay sau khi cho phân bón xuống, các độc tố như sắt, nhôm trong đất sẽ kết hợp với các phân tử lân, làm cho lân từ dạng hữu hiệu trở nên vô hiệu, cây trồng không thể sử dụng được.

Ngoài ra trên đất mặn có độ pH cao, đạm dễ bị chuyển thành amonium bay hơi gây thất thoát lớn. Việc xử lý đất bằng các biện pháp cải tạo như ém phèn, rửa mặn trước khi bón phân được xem là then chốt để sử dụng phân bón có hiệu quả.

Theo Báo Nông nghiệp

Liên hệ đặt hàng

remove 0385224466 phone skype email facebook zalo youtube