SÂU BỆNH HẠI CHÍNH TRÊN TRÁI SẦU RIÊNG

Sâu bệnh hại là mối nguy hại đối với ngành nông nghiệp, gây ảnh hưởng đến năng suất, phẩm chất và giá trị của nông sản. Đặc biệt là trong giai đoạn nuôi trái, giai đoạn quyết định đến phẩm chất cũng như chất lượng của trái. Sầu riêng có nhiều đối tượng dịch hại ở các giai đoạn khác nhau. Bài viết này cung cấp thông tin về sâu bệnh hại chính trên trái Sầu riêng.

  1. Sâu hại
    1.1 Sâu đục trái

Sâu đục trái sầu riêng có tên khoa học là: Conogethes punctiferalis

Họ: Ngài sáng (Pyralidae); Bộ: Cánh vảy (Lepidoptera)

        1.1.1 Đặc điểm hình thái sâu đục trái sầu riêng:

– Thành trùng sâu đục trái: Con trưởng thành của loài sâu này có kích thước nhỏ, chiều dài sải cánh 14 – 20 mm, chiều dài thân 6 mm, màu nâu. Toàn thân và cánh màu vàng, trên cánh có nhiều chấm đen. Thành trùng hoạt động chủ yếu vào lúc ban đêm.Hình 1.1 Thành trùng sâu đục trái sầu riêng

– Ấu trùng sâu đục trái: Ấu trùng dài khoảng 10 – 22 mm, sâu non có thân màu trắng ửng hồng, đầu nhỏ màu nâu đen. Mỗi đốt sống lưng có 4 đốm nâu nhạt, 2 đốm trên to, hai đốm dưới dài và hẹp, trên mỗi đốm đều có lông cứng nhỏ.

Hình 1.2 Ấu trùng sâu đục trái sầu riêng

         1.1.2. Đặc điểm gây hại và nhận biết của sâu đục quả:

– Sâu đục trái thường đẻ trứng gần cuống trái non, sâu non nở ra đầu tiên tấn công vỏ trái sầu riêng. Sau đó, sâu tiếp tục đục vào phía trong trái và tấn công phần thịt trái.

– Sâu có thể phá hại từ khi trái còn non đến khi già sắp chín, nhưng nặng nhất là khi trái bắt đầu vô cơm (khoảng 1 tháng tuổi đối với Ri6) cho tới chín.

– Sâu gây hại vào lúc trái nhỏ sẽ làm trái bị biến dạng và rụng. Nếu sâu tấn công vào giai đoạn trái đã phát triển thì sẽ làm mất chất lượng mỗi trái.

Hình 1.3 Biểu hiện sâu đục trái sầu riêng

     Tác hại:

– Những quả bị sâu tấn công, tại những lỗ đục phân sâu đùn ra ngoài, khi gặp nước mưa hoặc độ ẩm cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phytophthora xâm nhập gây thối quả, chổ thối sẽ chuyển sang nâu đen.

– Trên cây sầu riêng trái dạng chùm thường bị sâu gây hại nhiều hơn cho trái đơn.

         1.1.3 Biện pháp phòng trừ:

– Thăm vườn thường xuyên để phát hiện kịp thời sự xuất hiện của sâu.

– Tỉa bớt những trái kém phát triển trong chùm.

– Thu dọn trái non bị rụng do sâu gây hại đem đi tiêu hủy.

– Khi phát hiện có sâu gây hại nên tỉa bỏ những trái đã bị sâu tấn công vào phần ruột, đem tiêu hủy.

– Sử dụng các loại thuốc trừ sâu có các hoạt chất sau để phòng trị như: Abamectin, Emamectin benzoate, Carbosulfan, Permecide, Alpha cypermethrins,…

          1.2 Rệp sáp

Rệp sáp có tên khoa học là Planococcus citri

Thuộc bộ nửa cánh: Hemiptera, họ: Pseudococcidae

         1.2.1 Thời điểm xuất hiện Rệp sáp

– Rệp sáp gây hại quanh năm trong vườn sầu riêng nhưng bình thường chúng trú ẩn dưới rễ nên nhà vườn khó nhận biết. Thời điểm biểu hiện rõ nhất là khi cây sầu riêng trong giai đoạn bông – xổ nhụy – trái non với những đốm trắng.

– Trong điều kiện khô hạn (thiếu nước tưới, mô đất cao…) rệp sáp sẽ xuất hiện và gây hại nặng hơn.

        1.2.2 Đặc điểm hình thái

Rệp sáp có màu trắng do trên cơ thể được phủ đầy lớp sáp trắng và ở xung quanh mép rìa có nhiều sợi tua trắng.

Hình 1.4 Đặc điểm hình thái của rệp sáp

         1.2.3 Cách gây hại:

Sự gây hại của rệp sáp sẽ đi theo bộ 3: Rệp – Kiến – nấm Bồ Hóng

– Rệp là loài di chuyển rất chậm chạp và rất ít di chuyển.

– Kiến sẽ đảm nhiệm vai trò như “chú xe ôm” để vận chuyển, mang rệp đi khắp nơi và rệp tiết ra chất ngọt mà kiến thích để trả công. Kiến tha đến đâu thì rệp sẽ gây hại ở đó, tha lên lá sẽ gây hại ở lá, tha lên trái sẽ gây hại ở trái, tha lên cành sẽ gây hại ở cành…

Lưu ý: Không phải loài kiến nào cũng tha rệp đi, thường thì có 3 loại kiến chính là: kiến đen, kiến vàng, kiến cao cẳng.

– Đồng thời, chất thải của rệp tiết ra chứa nhiều chất đường ngọt sẽ thu hút đối tượng là nấm bồ hóng đến phát triển.

Hình 1.5 Cộng sinh giữa kiến và rệp sáp

         1.2.4 Tác hại của rệp sáp trên cây sầu riêng:

Rệp sáp tấn công hầu hết các bộ phận của cây (rễ, lá, cành, bông, trái), nhưng gây hại rõ nhất và nặng nhất khi cây có bông và trái non

– Trên bông: làm teo tóp cuống bông nếu tấn công ở cuống, tấn công ở bông làm bông thiếu hạt phấn, vàng, héo, dễ rụng.

– Trên trái non làm teo tóp cuống trái, trái bị gai to – gai nhỏ không đều. Trái bị méo mó, vàng gai, không lớn và dễ bị rụng.

– Trên trái lớn khi bị rệp và nấm bồ hóng tấn công làm vỏ trái bị đen, xấu xí, mất thẩm mỹ trái.

Hình 1.6 Rệp sáp gây hại trên trái sầu riêng

         1.2.5 Phòng ngừa:

– Trong vườn sầu riêng hạn chế trồng xen những cây thu hút rệp sáp như: cà phê, tiêu, bơ, na, ổi…

– Nếu có trồng xen thì chú ý tưới dưới gốc thuốc phòng ngừa rệp sáp định kì do rệp sáp sống dưới rễ.

– Ngoài ra, giai đoạn sau khi xổ nhụy thì rệp sáp sẽ phát triển mạnh do đó cần tưới thuốc ngừa thường xuyên. Hoạt chất thuốc ngừa rệp sáp như: Chlopyrifos Ethyl, Chlopyrifos Ethyl + Cypermethrin, Fenobucarb, Spirotetramat …

– Nếu thấy trong vườn có kiến thì cần diệt kiến để hạn chế kiến tha rệp sáp từ dưới gốc lên cây và từ cây này sang cây khác. Đồng thời dọn sạch cỏ rác, lá cây mục xung quanh gốc, vì đây là nơi trú ngụ của kiến.

– Tưới đủ nước để hạn chế sự phát triển của rệp sáp. Trong giai đoạn ra bông và trái non cần cung cấp đủ nước để cho đất không bị khô.

Lưu ý: Khi rệp sáp sinh sản và có mật số nhiều thì chúng có tập tính xếp chồng lên nhau thành nhiều lớp. Do đó để diệt triệt để rệp sáp cần phải kiên trì bằng cách tưới hoặc phun xịt ít nhất 3 lần, mỗi lần cách nhau 3-5 ngày để diệt đến lớp rệp sáp cuối cùng.

         1.2.6 Phòng trị:

Diệt đồng thời cả rệp và kiến:

– Kiến: Rãi hoặc tưới gốc các loại thuốc có hoạt chất như : Carbonsufan, thiamethoxam…

– Rệp sáp:

+ Tưới thuốc dưới gốc và phun lên cây các thuốc có hoạt chất ĐẶC TRỊ rầy như: Imidachloprid, Thiamethoxam hoặc Acetamiprid ….

+ Khi sử dụng thuốc đặc trị rệp sáp nên kết hợp thêm với DẦU KHOÁNG hoặc CHẤT BÁM DÍNH (với liều lượng 70ml pha cho 200 lít nước) để giúp tăng hiệu quả phòng trị

+ Giai đoạn cây đang xổ nhụy hoặc trái non thì cần sử dụng các thuốc sinh học hoặc thuốc có tính mát để tránh làm ảnh hưởng đến bông và trái non như: Abamectin, Emamectin, Spirotetramat…

  1. Bệnh hại
    2.1 Bệnh thối trái

         2.1.1. Nguyên nhân gây bệnh thối trái sầu riêng

– Bệnh thối trái trên sầu riêng do nấm Phytophthora palmivora.

– Bệnh phát triển trong điều kiện nóng ẩm mưa nhiều hoặc khi có sương mù xuất hiện.

– Điều kiện thoát nước ở vườn kém, nước bị tồn đọng trong vườn.

– Nấm tấn công từ các vết đục của sâu đục trái.

– Các vườn cây không được cắt tỉa thường xuyên, rậm rạp, không thông thoáng cũng tạo điều kiện cho nấm phát triển.

        2.1.2. Biểu hiện của bệnh thối trái trên cây sầu riêng

– Nấm gây hại trên trái, làm trái thối hàng loạt. Bệnh thường xuất hiện ở phần đít trái, ban đầu chỉ là một vài đốm nhỏ màu nâu đen sau đó bệnh phát triển và lan rộng dần ra có màu xám đen. Sau đó phát triển thành từng lõm lan rộng và ăn sâu vào thịt trái, khiến thịt trái bị thối nhũn, có mùi hôi chua, khó chịu.

– Trời ẩm thấp, trên vết bệnh hình thành các tơ nấm trắng. Bệnh làm cho trái nhỏ, kém phát triển, làm cho trái chín sớm (chín háp), bệnh phát triển nặng làm thối cả trái và lây lan sang các trái khác. Bệnh có thể gây hại trong tất cả các giai đoạn của trái, kể cả trái sau khi thu hoạch.

Hình 1.7 Biểu hiện thối trái trên quả sầu riêng

         2.1.3. Biện pháp phòng trị

Phòng bệnh:

– Tạo mương rãnh, hệ thống thoát nước cho vườn.

– Bổ sung dinh dưỡng cân đối, tránh dư thừa đạm.

– Sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng đã qua xử lý, ủ nóng hoai mục hoặc ủ bằng nấm trichoderma.

– Tỉa trái thông thoáng, tránh trái chen chúc lẫn nhau. Những trái sát nhau nên kê miếng xốp ở giữa.

– Không nên để cành quá sát gốc sau này mang trái chạm đất dễ lây lan mầm bệnh.

– Phun phòng bằng thuốc gốc Đồng, Mancozeb….đặc biệt chú ý khi thời tiết mưa nắng thất thường.

Trị bệnh:

Khi đã phát hiện bệnh trên vườn thì dùng các gốc thuốc: Dimethomorph, Fosetyl aluminium, Metalaxy + Mancozeb,…

VIDAN mong rằng những chia sẻ trên giúp bà con quản lý hiệu quả sâu bệnh hại trái Sầu riêng !

Liên hệ đặt hàng

remove 0385224466 phone skype email facebook zalo youtube