Triệu chứng da lu da cám do nhện gây ra gây thiệt hại rất lớn trên các loại cây trồng thuộc họ cây có múi như cam, chanh, quýt, bưởi. Tuy nhiên nhà vườn thường phát hiện trễ do không phân biệt được triệu chứng gây hại của nhện với triệu chứng ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật hoặc triệu chứng của bệnh bồ hóng nên việc phòng trừ chưa kịp thời và kém hiệu quả, đặc biệt ở những vùng chuyên canh có múi ở miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long
Trong nhóm nhện gây hại cây có múi, chủ yếu là các loài sau: Nhện đỏ (Panonychus citri); Nhện rám vàng (Phyllocoptruta oleivora); Nhện trắng (Polyphagotarsonemus latus)
I. Đặc điểm hình thái
– Nhện đỏ (Panonychus citri):Trưởng thành có kích thước rất nhỏ, dài khoảng 0,3 – 0,4mm, màu cam hay đỏ sậm, hình bầu dục tròn. Ấu trùng có kích thước nhỏ hơn và màu lợt hơn. Đây là loài nhện phổ biến nhất và chiếm mật số cao trong vườn cây có múi.
– Nhện rám vàng (Phyllocoptruta oleivora): Trưởng thành có kích thước 0,1mm, khó nhìn thấy bằng mắt thường, màu vàng nhạt, cơ thể có hình dạng giống củ cà rốt.
– Nhện trắng (Polyphagotarsonemus latus): Trưởng thành có cơ thể rất nhỏ, kích thước nhỏ hơn 0,1mm, hình bầu dục, màu trắng bóng. Cơ thể có phủ lớp lông mỏng và thưa.
– Ấu trùng mới nở có kích thước nhỏ hơn và màu nhạt hơn con trưởng thành.
– Trứng rất nhỏ, hình cầu. Trứng được đẻ rải rác trên cả hai mặt lá hoặc trên trái.
II. Triệu chứng gây hại
– Trưởng thành và ấu trùng sống tập trung trên bề mặt lá non, đọt non, vỏ trái non, chích hút dịch cây.
– Trên lá: nhện thường bám ở mặt dưới lá, gây hại bằng cách chích hút dịch ở lớp biểu bì lá làm cho lá sựng lại không phát triển, để lại những chấm nhỏ li ti vàng nhạt trên mặt lá, đường gân lá nổi gồ lên. Khi bị nặng, vết chấm lan rộng, lá có màu ánh bạc, sau đó lá bị khô và rụng.
– Trên trái: nhện sống tập trung ở những trái non, nhện chích và hút dịch ở lớp biểu bì và làm vỡ tuyến tinh dầu trên vỏ trái, làm cho vỏ trái bị nám, có màu nâu, nâu đen, hoặc là màu đồng đen, người ta gọi là hiện tượng da lu, đôi khi da hơi bị sần sùi hoặc không trơn láng, màu nâu xám, xám trắng, hay là xám bạc gọi là hiện tượng da cám. Khi mật số nhện cao, bề mặt trái như bị phủ bởi một lớp lông nhung sần sùi, trái bị hại thường có vỏ dày hơn bình thường và có kích thước nhỏ hơn những trái không bị hại, nếu mật số cao có thể làm trái bị rụng.
III. Đặc điểm sinh học
– Nhện đỏ phát triển mạnh trong điều kiện khô hạn, trong mùa nắng.
– Vòng đời nhện hại cây trồng tương đối ngắn, trung bình chỉ 15 – 20 ngày. Nhện trưởng thành có thể đẻ vài trăm trứng, tạo thành các lứa nối tiếp nhau với mật độ cao, vì thế dễ bộc phát thành dịch trong một thời gian ngắn.
Phòng trừ
– Theo dõi thường xuyên, phát hiện và phòng trừ kịp thời khi cây ra lá non, giai đoạn đậu quả.
– Không để vườn quá khô hạn, cần tạo độ ẩm và khí hậu mát cho vườn cây bằng cách tưới phun lên cây.
– Phun thuốc khi mật số cao: Comite (Propargite), Pegasus (Diafenthiuron), Selectron (Profenofos), Ortus (Fenpyroximate), Nissorun (Hexythiazox), Dầu khoáng. Nên kết hợp VD BÁM DÍNH đều lên cây để tăng hiệu quả diệt nhện. Lưu ý rằng, nhện rất nhanh kháng thuốc, khi sử dụng thuốc hóa học cần luân phiên.
Bộ phận Kỹ thuật Nông nghiệp Vidan