Nhằm đưa hai loại quả là bưởi và chanh sang New Zealand, Cục Bảo vệ thực vật đã hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật và xin ý kiến các đơn vị liên quan.
Ngày 22/3, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) gửi Công văn số 637/BVTV-HTQT tới Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố; Hiệp hội Rau quả Việt Nam; và các tổ chức, cá nhân sản xuất và xuất khẩu trái cây tươi đề nghị xin ý kiến về dự thảo “Chương trình xuất khẩu về Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với một số quả tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang New Zealand”.
Cụ thể, với hai loại quả tươi là bưởi và chanh xuất khẩu sang New Zealand, Cục BVTV đã đề xuất hai bước quản lý sinh vật gây hại: trên đồng ruộng và sau thu hoạch.
Trên đồng ruộng: vùng trồng cần áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, ưu tiên các biện pháp kiểm soát sinh học như bảo vệ sinh vật có ích (kiến vàng, bọ đuôi kìm, kiến ba khoang…), không trồng xen với loại cây khác, chỉ sử dụng một loại giống; đồng thời tổ chức thu dọn và tiêu hủy tàn dư thực vật trên đồng ruộng để giảm nguy cơ lây lan sinh vật gây hại.
Sau thu hoạch: Cục BVTV dự thảo việc làm sạch quả, bao gồm cả việc loại bỏ sinh vật gây hại bằng biện pháp cơ giới (rửa, phun xịt nước…)
Về yêu cầu vùng trồng: sau khi xây dựng, hoàn thiện và gửi hồ sơ kỹ thuật cho New Zealand, Cục BVTV cho biết, mỗi vùng trồng, cơ sở đóng gói sản phẩm xuất khẩu phải có 01 mã số riêng nhằm bảo đảm truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Đặc biệt lưu ý tới hồ sơ ghi chép của đơn vị sản xuất phải đảm bảo 3 yếu tố: Ghi lại các khâu trong toàn chuỗi sản xuất; ghi thông số của các biện pháp kiểm dịch thực vật; truy xuất được nguồn gốc sản phẩm khi có vi phạm hoặc yêu cầu.
Về tổ chức tập huấn, Cục BVTV cam kết hỗ trợ cho các địa phương, tổ chức, cá nhân tham gia vào chương trình xuất khẩu quả tươi sang New Zealand. Cục BVTV đề nghị các vườn trồng, nhà đóng gói, cơ sở xử lý, đơn vị xuất khẩu và cơ quan chuyên môn tại địa phương cử cán bộ phù hợp tham gia tập huấn để nắm bắt được các quy định về KDTV, ATTP và quy trình xử lý kiểm dịch thực vật.
Về lưu trữ hồ sơ, Cục BVTV, cơ quan chuyên môn của địa phương và các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình phải lưu hồ sơ liên quan trong tối thiểu 2 năm. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn của địa phương, các vườn trồng, nhà đóng gói, cơ sở xử lý và đơn vị xuất khẩu phải sẵn sàng cung cấp hồ sơ khi có yêu cầu từ phía New Zealand.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, trước khi xuất khẩu quả tươi đi New Zealand hay bất cứ nước nào, chúng ta phải đáp ứng quy định của phía nước nhập khẩu.
Đầu tiên là cơ quan quản lý BVTV cấp quốc gia gửi hồ sơ kỹ thuật liên quan đến mặt hàng xuất khẩu, bao gồm các nhóm thông tin như: thông tin sản phẩm, giống, quy trình canh tác, danh sách các sinh vật gây hại có thể lây nhiễm, biện pháp BVTV, các hoạt chất sử dụng trong cận thu hoạch, phương pháp bảo quản sau thu hoạch và trước khi xuất khẩu, công tác kiểm dịch thực vật… và “Tất cả phải được cung cấp đầy đủ bằng tiếng Anh”, ông Trung chia sẻ.
Theo thông lệ quốc tế, trên cơ sở hồ sơ từ nước xuất khẩu, nước nhập khẩu (ở đây là New Zealand) sẽ đánh giá nguy cơ dịch hại có kèm theo các biện pháp quản lý cũng như nhận xét về khả năng đảm bảo yêu cầu của nước xuất khẩu – Cục trưởng Cục BVTV nhấn mạnh. Điểm khác là từng nước sẽ đưa ra tỷ lệ lấy mẫu, biện pháp kiểm dịch thực vật khác nhau.
New Zealand có hơn 5 triệu dân, nhưng việc xuất khẩu quả tươi sang thị trường này mang nhiều ý nghĩa bên cạnh đó New Zealand có hệ thống kiểm dịch thực vật chặt chẽ bậc nhất thế giới, Cục trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.
“Nếu Việt Nam xuất khẩu được sang New Zealand, điều đó không những thể hiện uy tín hàng hóa, năng lực kỹ thuật, kiểm dịch, quản lý của chúng ta, mà còn tạo thuận lợi trong việc đàm phán mở cửa thị trường với các quốc gia khác”, ông Trung bày tỏ.
Trong các yêu cầu từ phía New Zealand, Cục trưởng Cục BVTV coi việc lưu trữ hồ sơ cần được quan tâm đúng mức. Trong đó, vùng trồng phải có sổ ghi chép nhật ký; cơ sở đóng gói cần hồ sơ quản lý chất lượng sản phẩm; cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật phải có giấy chứng nhận của Cục BVTV về điều kiện hoạt động.
Trong tháng 3/2022, Cục BVTV đã cử các đoàn công tác đến một số vùng trồng bưởi tại phía Nam, nhằm phổ biến các quy định xuất khẩu quả tươi sang Mỹ và New Zealand để người sản xuất, doanh nghiệp và cán bộ địa phương hiểu, nắm chắc hơn về các thông tin thị trường của nước xuất khẩu.
Theo Bảo Thắng/nongnghiep.vn