BO – DINH DƯỠNG KHÔNG THỂ THIẾU CHO CÂY TRỒNG

Đến nay, có trên 70 quốc gia đã được phát hiện tình trạng thiếu Bo ở hầu hết các loại cây trên nhiều loại đất. Ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 78% các loại đất và cây trồng thiếu Bo. Chính vì vậy, việc bón phân Bo để chủ động cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây trồng đã trở thành một trong những biện pháp phổ biến với hầu hết bà con nông dân.

Bo là vi chất dinh dưỡng cần thiết

Trong số tất cả các vi chất dinh dưỡng, Bo là vi chất phổ biến thứ hai, có hơn 90% vi chất Bo trong cây trồng được tìm thấy trên các thành tế bào. Chính vì vậy, việc thiếu hụt vi chất dinh dưỡng này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của cây trồng.

Vai trò quan trọng nhất của Bo đối với cây trồng là liên kết chặt chẽ với quá trình hình thành, qui định chức năng và sự phát triển bình thường của các thành tế bào. Vì vậy, thiếu hụt Bo dễ dẫn đến việc làm chậm quá trình phát triển của các mô tăng trưởng, khiến cây còi cọc, kém phát triển.

Những loại cây trồng khác nhau thì nhu cầu về Bo cũng khác nhau. Những cây hai lá mầm có nhu cầu Bo cao hơn cây một lá mầm, bởi thành tế bào của chúng cần sự tập trung Bo cao hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu Bo hầu như không thay đổi qua các giai đoạn sinh trưởng của cây. Tuy nhiên, vào giai đoạn cây ra hoa, nhu cầu Bo có phần cao hơn.

Chức năng chính của Boron

Bo được công nhận là một chất dinh dưỡng thiết yếu vào năm 1928, nhưng vai trò của nó mãi đến một thập kỷ sau đó mới được xác định đúng. Mặc dù, cây luôn đòi hỏi phải cung cấp đủ Bo trong suốt quá trình phát triển sinh lý, nhưng có một điều chắc chắn rằng vai trò quan trọng nhất của Bo lại liên quan đến cấu trúc và chức năng của các thành tế bào.

Tuy nhiên, sự tập trung của Bo trong các thành tế bào giữa các loài cây là khác nhau. Mật độ tập trung Bo ở những loài cây hai lá mầm thường cao hơn (ví dụ như 25 ppm cho cỏ linh lăng, 37 ppm cho cây đậu tương, 76 ppm cho cây củ cải đường) so với cây một lá mầm (2 – 5 ppm Bo).

Bo rất cần thiết cho quá trình phân chia tế bào và quá trình thụ phấn của cây. Bo giúp gia tăng sự hình thành và phân hoá mầm hoa, tăng cường sức sống cho hạt phấn, giúp giảm rụng hoa và trái non, tăng tỷ lệ đậu trái.

Đồng thời, Bo cũng có liên quan đến quá trình tổng hợp protein, lipid, làm tăng hàm lượng đường và các vitamin trong củ, quả; ngăn ngừa sự thối rữa và giúp bảo quản nông sản được lâu sau khi thu hoạch.

Việc thiếu hụt Bo sẽ làm suy giảm quá trình phát triển và mở rộng của các thành tế bào khiến chúng bị ngắn lại và dày hơn. Do đó, thiếu Bo sẽ làm cho rễ cây và ống phấn sẽ không được kéo dài. Đây là hai cơ quan có độ nhạy cảm cao nên sẽ nhanh chóng bị ức chế sinh trưởng vì lượng Bo cung cấp không đủ.

Một nghiên cứu trên cây họ đậu đã chỉ ra rằng, việc cung cấp Bo đầy đủ là cần thiết để đảm bảo sự cố định Nitơ một cách hiệu quả thông qua những nốt sần trên rễ, đồng thời tham gia vào quá trình vận chuyển đường trong cây.

Bo: Di chuyển hay cố định trong cây?

Bo là chất dinh dưỡng duy nhất được di chuyển một cách linh hoạt trong mạch Libe. Bo chỉ di chuyển trong một vài loài cây và một số loại rau có chứa những hợp chất polyol (các chất tham gia vào quá trình lên men rượu) bao gồm táo, lê, ô liu, bơ, cà rốt và cần tây. Những loài này có khả năng chịu được sự thiếu hụt Bo trong một thời gian ngắn, vì vi chất này có thể được huy động từ các cơ quan khác (thường là lá). Quá trình này đòi hỏi lượng cung cấp Bo thấp khi cây đang còn non và cao hơn khi cây bắt đầu quá trình sinh sản (thụ phấn, cho trái).

Một số loại cây trồng lại không có khả năng huy động Bo bao gồm hầu hết các loại cây trồng mang tính mùa vụ như bắp, đậu tương, lúa mì, lúa mạch, cải dầu, gạo, cỏ linh lăng, khoai tây và một số loại khác. Những loại cây trồng này không có khả năng huy động Bo thông qua các mạch Libe nên không thể vận chuyển chúng từ mô này đến mô khác. Việc huy động Bo ở những loại cây này xảy ra chủ yếu thông qua các mạch gỗ, cùng với hướng di chuyển của nước từ rễ lên lá. Những cây trồng này cũng rất nhạy cảm với sự thiếu hụt Bo trong thời gian ngắn. Ở các loại cây này, các triệu chứng thiếu Bo thường xảy ra một cách nhanh chóng và thường xuất hiện ở các mô sinh trưởng. Chính vì vậy, việc bón phân có chứa Bo qua lá cho những loại cây trồng này không có hiệu quả cao, bởi vì Bo chỉ cố định ở những mô được phun và không có khả năng được vận chuyển tới những nơi khác trong cây.

Triệu chứng thiếu Bo

Nhìn chung, sự thiếu Bo trong đất thường xảy ra ở những vùng có khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều (do Bo là nguyên tố dễ bị rửa trôi); ở những khu vực có đất chua phát triển trên đá phún xuất, đất có pH < 4, đất phát triển trên đá vôi hoặc đất có kết cấu thô, đất thoát nước tốt như đất dốc, đất cát, đất có hàm lượng hữu cơ thấp.

Triệu chứng thiếu Bo ở cây trồng thường xuất hiện ở các bộ phận non của cây đầu tiên. Ban đầu, đỉnh sinh trưởng chùn lại, dần dần chết khô. Các lá non thường bị biến dạng, gấp nếp, mỏng với màu xanh nhạt và dần dần mất màu. Trên bề mặt lá thường có những đốm nhỏ màu vàng trắng. Đôi khi đỉnh sinh trưởng bị chết làm cây mọc nhiều chồi bên giống như cây bụi.

Ngoài ra, thiếu Bo cũng xuất hiện các triệu chứng khác như lá già có kết cấu dày, đôi khi cong lên và dòn; hoa ít hoặc không hình thành, rễ còi cọc; hoa và trái dễ bị thối và rụng non; làm xuất hiện bệnh “ruột nâu” ở cây lấy củ với đặc trưng là những đốm sẫm màu; các loại quả như táo có triệu chứng xốp bên trong và bên ngoài…

Cụ thể một vài triệu chứng thiếu Bo trên cây trồng như:

– Cam: Trên lá xuất hiện những đốm vàng rải rác. Trên vỏ trái xuất hiện những đốm nâu, lõi to, lệch tâm, có quầng thâm đen quanh lõi.

– Bông: Trái bị thối đen không nở được, đài hoa rụng sớm.

– Súp lơ: Lõi bị thâm đen, bông và cuống bông bị thối, lá rụng nhiều.

– Cà phê: Cành trơ trọi, chồi non chết khô.

– Bắp (ngô): Trái bắp nhỏ có hình đuôi chuột, hạt ít.

– Đu đủ: Trái biến dạng, xù xì.

Các kết quả nghiên cứu trên thế giới và trong nước đều cho thấy khi bón Bo vào gốc hoặc phun Bo qua lá đã làm gia tăng năng suất các loại cây trồng từ 6 – 48%, cải thiện chất lượng và màu sắc của nông sản. Tuy nhiên, nhà vườn cũng nên lưu ý rằng, Canxi là nguyên tố tương tác mạnh với Bo, nhu cầu Bo của cây thấp khi cây thiếu Canxi. Ngược lại, Kali là nguyên tố đối kháng với Bo, nếu bón quá nhiều Kali sẽ ức chế cây hút Bo dẫn đến sự thiếu hụt Bo và làm giảm năng suất cây trồng.

Bộ phận R&D, Công ty VIDAN –
(dịch từ Cropnutrition.com)

Liên hệ đặt hàng

remove 0385224466 phone skype email facebook zalo youtube