Sau những cơn mưa đầu mùa vụ HT 2015, bọ cánh cứng đen (nhỏ) hại mía xuất hiện, gây hại trên một số nông trường mía thuộc miền Đông Nam bộ.
Bọ cánh cứng trưởng thành cắn phá nhiều mầm mía, trên ruộng mía gốc lẫn trồng mới, ảnh hưởng đến mật số chồi (cây con) trong giai đoạn nảy mầm và đẻ nhánh.
Bọ trưởng thành thường đào hầm và chui xuống dưới mặt đất ẩn nấp vào ban ngày và chui lên bay đi cắn phá mía vào ban đêm.
Bọ cánh cứng đen hại mía.
Đặc điểm nhận dạng
Bọ cánh cứng gây hại mía trưởng thành khi mới vũ hóa có màu nâu nhạt, sau chuyển sang đen óng ánh, có đôi chân trước chắc khỏe, mép ngoài của đốt chày chân trước có nhiều răng cưa thích hợp cho việc đào bới, chiều dài cơ thể trung bình từ 10-15 mm, trên đốt đùi của chân giữa và chân sau có lông nhỏ.
Trứng hình thuôn dài và mịn, mặt ngoài của trứng có vân ngang, trứng mới đẻ màu trắng nhạt hoặc xám. Sâu non mới nở màu trắng sữa, đầu ngực có màu nâu.
Sâu ít chân, cơ thể có hình cong chữ C đặc trưng. Đốt cuối bụng của sâu non có nhiều gai và xếp thành hình bất định. Sâu non đẫy sức có chiều dài từ 19-25 mm.
Nhộng trần có màu da bò nhạt, chiều dài nhộng khoảng 10-15 mm.
Đặc điểm và triệu chứng gây hại
Bọ cánh cứng trưởng thành gây thiệt hại đáng kể cho nhiều ruộng mía, bên cạnh đó chúng cũng phá hại ngô, khoai lang, lúa và một số loài cỏ dại.
Bọ trưởng thành cắn phá chủ yếu những bộ phận cây trồng nằm dưới mặt đất, những mầm mía mới nảy mầm từ hom hoặc tái sinh từ gốc là nguồn thức ăn ưa thích của chúng.
Bọ cánh cứng trưởng thành khoét lỗ chui vào đất dọc theo những hàng mía, chúng bắt cặp, đẻ trứng và ăn những mầm mía non trước khi đỉnh sinh trưởng mọc vượt lên trên mặt đất.
Sau khi trứng nở, ấu trùng bắt đầu ăn tàn dư thực vật trong đất và tiếp tục gây hại cây trồng ở vòng đời kế tiếp.
Cây mía bị hại có hiện tượng héo ngọn hoặc chết khô toàn bộ cây khi thời tiết khô hạn, dẫn đến tình trạng mất khoảng nghiêm trọng, gây suy giảm mật số chồi trên ruộng.
Ban ngày, bọ cánh cứng trưởng thành thường trú ẩn trong các hốc lõm ở gốc thân mía hoặc lớp đất ẩm xốp bên dưới tàn dư lá mía, ban đêm chui lên khỏi mặt đất đi cắn phá cây mía.
Bọ cánh cứng đen thường gây hại mía với mật số cao trong thời kỳ mía đẻ nhánh vào giai đoạn tháng 4-5 hằng năm, sau một vài cơn mưa đầu mùa.
Tuy nhiên, trong một niên vụ sản xuất, loài bọ cánh cứng này chỉ phát triển một lứa, mật số của chúng phụ thuộc vào điều kiện thức ăn, ngoại cảnh và thiên địch.
Một số biện pháp kiểm soát
– Lập kế hoạch thăm đồng thường xuyên và định kỳ, kịp thời phát hiện sớm sự xuất hiện của bọ cánh cứng đen (nhỏ) trên ruộng mía để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Bẫy đèn thu bắt bọ trưởng thành.
– Đối với những ruộng mía bị bọ cánh cứng gây hại > 15% tổng số chồi, cần lắp đặt bẫy đèn để thu bắt bọ trưởng thành, kết hợp rải các loại thuốc hóa học có hoạt chất như Carbofuran, Dimethoate hoặc Cartap hai bên hàng mía trước khi cày lấp, sau đó tiến hành dặm mía.
– Biện pháp thu bắt bọ trưởng thành bằng bẫy đèn cần tiến hành đồng loạt và liên tục trong khoảng từ 2-3 tuần, thời gian chiếu sáng của bẫy đèn từ 18 giờ đến khoảng 22 giờ hằng đêm.
– Chuẩn bị đất, cày bừa đất thật kỹ đảm bảo tàn dư thực vật trên ruộng mía hoai mục trước khi đặt hom giống.
– Trồng mía đúng thời vụ và tập trung, đối với những ruộng mía trồng vụ HT, tiến hành bón lót 20-30 kg/ha một trong các loại thuốc sau như Basudin 10H, Furadan 3G, hoặc Bam 10G.
Theo Nguyễn Thế Hữu/Báo Nông nghiệp Việt Nam