SIÊU GIỐNG LÚA CHỊU MẶN, PHÈN

Sau quá trình nghiên cứu, trồng khảo nghiệm, hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có nhiều giống lúa siêu chịu mặn. Những giống lúa này được nhà nông cho là giống lúa “độc” bởi nó có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; chịu mặn hơn hẳn những giống lúa khác…

Chịu được độ mặn trên 10‰

Người dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đang phấn khởi vì vùng đất “cánh đồng chó ngáp” vốn hoang hóa vì mặn, phèn, giờ đây đã có thể trồng 2 loại lúa giống: Lúa sỏi và một bụi đỏ. Hai loại lúa này có thể chịu được độ mặn của đất lên đến 10‰, chống chịu được rầy, ít nhiễm bệnh, nhất là bệnh đạo ôn và cho năng suất trên 4 tấn lúa khô/ha.

Nhà nông tham quan mô hình lúa chịu mặn trên ao tôm ở huyện Cần Đước, Long An. Ảnh: H.X

Ông Lê Văn Hải (ngụ ở xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Trước đây vùng đất này chỉ có thể nuôi tôm hoặc bỏ hoang. Tuy nhiên, khi làm liên tục nhiều vụ, tôm bị bệnh, dẫn đến thất thu. Giờ đây, nơi đây có thể trồng lúa chịu mặn luân canh nên rất mừng. Tuy năng suất không cao bằng trồng lúa ở vùng nước ngọt nhưng loại lúa này có chi phí sản xuất thấp, ít gặp dịch bệnh. Người dân ở đây không còn cảnh có đất ruộng mà phải lấy tiền đi mua gạo”.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Hồng Dân đã gieo sạ thử nghiệm rất nhiều giống lúa nhưng chỉ chọn được 2 giống lúa trên. Ngoài khả năng chịu mặn, phèn, chống chịu được sâu bệnh, lúa sỏi có đặc điểm hạt gạo thơm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, còn lúa một bụi đỏ thì có tỷ lệ bạc bụng dưới 4%, mềm cơm, không bị vỡ khi xay xát. Với các giống lúa có những đặc điểm nổi bật trên, ngành chức năng huyện Hồng Dân đã và đang nhân rộng, sản xuất trên 5.000ha diện tích ao tôm.

Tại huyện Cái Nước, nơi có điều kiện sản xuất khắc nghiệt nhất của tỉnh Cà Mau (thời tiết thay đổi thất thường, ngoài độ mặn cao có lúc còn bị hạn hoặc bị ngập nước), người dân đã có thể canh tác một loại lúa giống siêu chịu mặn. Tuy đến nay chưa có tên chính thức cho loại giống này nhưng theo cơ quan chuyên môn, nó có thể chịu được độ mặn 12,7‰, có thể sống thiếu nước trong 15 ngày và bị ngập khoảng 1 tuần.

PGS-TS Võ Công Thành kiểm tra ruộng lúa sỏi. Ảnh: T.Đ

Theo phóng viên tìm hiểu, cũng như huyện Cái Nước, người dân huyện Tân Phú Đông – một huyện cù lao của tỉnh Tiền Giang (cách Biển Đông khoảng 500m) và 3 huyện vùng hạ thuộc tỉnh Long An là Cần Đước, Châu Thành và Tân Trụ cũng vừa sản xuất thí điểm thành công các loại lúa giống trong điều kiện độ mặn giao động từ 8-10‰, cho năng suất ổn định, trên 4 tấn lúa khô/ha…

Các lúa giống siêu chịu mặn trên do các cán bộ nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ chọn lọc từ hàng trăm giống lúa cổ (thời gian sinh trưởng 180 ngày) thu thập được ở các vùng đất ngập nước ven biển  thuộc các tỉnh ĐBSCL rồi nghiên cứu, cải tiến thành lúa cao sản (100-120 ngày). Sau đó, được trồng khảo nghiệm nhiều năm tại trường và một số địa phương trên theo “đơn đặt hàng”.

Cần nhân rộng giống lúa

PGS-TS Võ Công Thành (khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng – Trường Đại học Cần Thơ) khẳng định: “Trên thế giới, hiện nay chỉ có lúa chịu được độ mặn cao nhất là 8‰ vào giai đoạn thu hoạch còn những giống lúa của trường có thể chịu được 10‰, riêng ở Cà Mau là 12,7‰. Cũng nói thêm, một số nghiên cứu về lúa trên thế giới chỉ chú trọng vào tính chịu mặn nên khi áp dụng vào vùng đất mặn ở ĐBSCL vốn bị nhiễm phèn đã không thành công hoặc cho năng suất thấp hơn. Giống lúa của trường vừa chịu được mặn vừa chịu được phèn”.

Cũng theo PGS – TS Võ Công Thành, những giống lúa “độc” trên nếu trồng trong vùng ngọt sẽ cho năng suất từ 6-7 tấn lúa khô/ha, không thua những giống lúa mà bà con nông dân quen trồng, kể cả loại lúa có phẩm chất thấp như IR50404.

Ngoài huyện Hồng Dân đã tổ chức sản xuất đại trà, trong tháng 1 này, ngành nông nghiệp các địa phương ven biển như Cà Mau, Long An, Tiền Giang sẽ tổ chức nghiệm thu, thông qua đề tài trồng khảo nghiệm những giống lúa chịu mặn của Trường Đại học Cần Thơ. Nếu không có gì thay đổi, người dân sẽ được nhân rộng những giống lúa trên theo mô hình luân canh tôm – lúa.

“Làm lúa siêu chịu mặn trên địa bàn huyện Cái Nước là một ý tưởng lớn. Việc làm này cần thực hiện trong thời gian tới” – ông Đoàn Văn Chính – Phó Phòng NNPTNT huyện Cái Nước cho biết.

Khi được hỏi về việc sản xuất lúa siêu mặn trên địa bàn tỉnh, ông Mai Văn Nhiều – Giám đốc Sở KHCN tỉnh Long An cho biết: “Sau khi đề tài được thông qua sẽ cho nhân rộng. Sản xuất lúa chịu mặn thay đổi dần tư tưởng vùng mặn là không thể làm lúa như trước đây, có thể đáp ứng được an ninh lương thực và phù hợp với xu hướng thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt”.

Ông Dương Văn Bon – Giám đốc Sở KHCN tỉnh Tiền Giang đồng tình cho rằng, lựa chọn lúa chịu mặn là xu hướng phải làm để thích nghi với những điều kiện khí hậu thất thường. “Nếu đề tài phối hợp thực hiện giữa Trường Đại học Cần Thơ với một số cơ quan tỉnh Tiền Giang được hội đồng thông qua thì chúng tôi sẽ cho nhân rộng ở các huyện phía Đông, nơi có độ mặn cao” – ông Bon nói.

Theo đánh giá của Dự án Clues (do nhiều tổ chức quốc tế, viện, trường, các địa phương ĐBSCL phối hợp thực hiện) về biến động cơ cấu sử dụng đất lúa và vùng dễ bị ảnh hưởng bởi mặn dưới tác động của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, hầu hết các địa phương trong vùng đều chịu nhiều tác động và diện tích lúa bị ảnh hưởng ngày càng tăng. Trong đó, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đến năm 2030 là tỉnh Cà Mau (khoảng 390.000ha); đến năm 2050 với diện tích khoảng 440.000ha.

Theo Huỳnh Xây/Dân Việt

Liên hệ đặt hàng

remove 0385224466 phone skype email facebook zalo youtube