Do ảnh hưởng của sương muối giai đoạn ra hoa, đậu quả, nên vùng bưởi đỏ Tân Lạc (Hòa Bình) năm nay mất mùa bưởi.
Huyện Tân Lạc được coi là “thủ phủ” bưởi đỏ của tỉnh Hòa Bình. Với diện tích 1.200 ha bưởi, hàng năm bà con nơi đây đã cung ứng cho người tiêu dùng trong nước gần 2,5 triệu trái bưởi các loại, trong đó có 80% là bưởi đỏ, doanh thu ước đạt 35 tỷ đồng, lợi nhuận thu về 24 – 27 tỷ đồng (tùy năm).
Nhờ trồng bưởi đỏ, nhiều gia đình thôn quê hẻo lánh đã giàu lên trông thấy, xây nhà, tậu xe và mua sắm được tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Tuy nhiên do thời tiết năm nay khắc nghiệt, bưởi Tân Lạc giảm khoảng 60% sản lượng.
Chị Nguyễn Thị Khoái ở xóm Tân Hương, xã Thanh Hối (trong huyện) cho hay: Chị trồng 350 gốc bưởi (1 ha), mọi năm cây nào quả cũng sai bện vào nhau, có cây cho tới 250 quả. Năm nay thì thua xa, quả rất thưa, trung bình chỉ được 50 trái mỗi cây. Dự kiến bán hết và cân đối thu thu chi chỉ dư ra được 150 triệu đồng. Lợi nhuận chỉ bằng non nửa cùng kỳ năm trước, nhưng nhà chị Khoái vẫn sống ung dung, vì ngoài trồng bưởi, chị còn nuôi gà, trồng rau xanh, đảm bảo đủ thực phẩm ăn hàng ngày, không phải ra chợ mua.
Ông Dương Tất Tính, Tổ trưởng Tổ hợp tác Bưởi VietGAP xóm Tân Hương cũng cho hay: Nhà ông trồng 5 ha bưởi đỏ, chắc chỉ thu được trên 100.000 trái, bằng 50% sản lượng năm trước. Tuy thất thu, ông Tính vẫn có tiền tiêu rủng rỉnh, bởi vì ông trồng diện tích lớn.
Về nguyên nhân mất mùa bưởi, ông Tính cho rằng: Do thời khắc nghiệt, đúng lúc các vườn bưởi đang ra hoa (đầu năm nay) thì xuất hiện sương muối dày đặc kéo dài, làm cho cây không thể thụ phấn hiệu quả.
Ngay cả những cây đã nhú quả non, vẫn bị trút hàng loạt. Không chỉ riêng bưởi đỏ Tân Lạc bị mất mùa, bưởi da xanh trồng trên đất này cũng có chung số phận. “Liên hệ với một số nhà vườn chuyên canh bưởi ở các tỉnh thành khác, đều cho biết, bưởi mất mùa do thời tiết, nhưng vẫn có một số vườn được mùa riêng, có thể những vườn đó nằm ngoài đường sương muối đi qua”, ông Tính thông tin.
Nhà vườn Phạm Thanh Bình (xã Thanh Hối) trồng bưởi từ năm 2008, nay bị mất mùa, cũng không thấy lo lắng. Vì ngoài thu hoạch từ cây bưởi, ông Bình còn có nguồn thu phụ từ nuôi ngan và trồng cây màu khác. Hơn nữa, năm nào cũng vậy, các nhà vườn trồng bưởi, đều được ngành nông nghiệp của tỉnh quan tâm hỗ trợ phân bón, thuốc BVTV sinh học, khuyến khích phát triển sản xuất, giảm chi phí…
Ông Dương Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình cho biết: Hàng chục năm nay mới thấy xuất hiện sương muối lần đầu tiên, đúng vào dịp cây bưởi ra hoa nên các hộ đã chủ quan, không chủ động các giải pháp che chắn, phun thuốc phòng ngừa, giảm thiệt hại.
Ông Tú khuyến cáo nhà vườn trồng cây có múi nói chung, bưởi đỏ Tân Lạc nói riêng cần chăm sóc cho cây khỏe, bón cân đối các phân đa lượng, trung lượng, vi lượng và phân hữu cơ các loại, ưu tiên cao cho sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ vi sinh.
Đồng thời, chú trọng phòng trừ kịp thời một số dịch bệnh hại chính như tuyến trùng, sâu vẽ bùa, ruồi vàng, nhện đỏ, sâu đục thân, rệp các loại, bệnh loét, sẹo, chảy gôm, chảy mủ gốc cây, thán thư, nắng nóng cháy rám vỏ quả, đặc biệt là bệnh vàng lá gân xanh…
Để tránh lặp lại hiện tượng mất mùa cây có múi do sương muối hoặc mưa acid có thể xảy ra trong các năm sau, có thể dùng chế phẩm Shellac suger kết hợp với chế phẩm nano Canxi super và nano Bạc đồng, phun cho cây vào thời kỳ phân hóa mầm hoa và ra hoa rộ. Chống mưa acid, tăng đậu quả bằng cách sử dụng nano Canxi super phối hợp với nano Bạc đồng, nano AKH super plus. Chú ý, sử dụng thuốc theo khuyến cáo ghi trên bao gói.
Khảo sát sản xuất nông nghiệp tại huyện Tân Lạc cho thấy, hiện nay đa số hộ dân ở đây đều trồng từ 1 ha bưởi trở lên. Hộ ít nhất cũng trồng 0,5 – 0,7ha (150 – 200 gốc). Theo đó có mất mùa bưởi, mỗi nhà nông vẫn “bỏ ống” được trên dưới 100 triệu đồng. Ngoài trồng bưởi, các hộ còn có nguồn thu phụ từ canh tác rau màu và chăn nuôi khác.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây giống (Học viện Nông nghiệp Việt Nam): Bưởi đỏ Tân Lạc có nguồn gốc giống ở xã Khánh Thương, Ba Vì (Hà Nội), được đưa lên trồng ở xã Thanh Hối, Tân Lạc từ đầu năm 2004.
Nhờ thích hợp với điều kiện sinh thái tỉnh Hòa Bình, giống bưởi đỏ của Khánh Thương đã bén duyên với đồng đất nơi đây, rất sai hoa, nhiều quả, trở thành đặc sản của xứ Mường. Cục sở hữu Trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể Bưởi đỏ Tân Lạc từ năm 2017.
Bưởi đỏ trồng ở Tân Lạc luôn sai hoa, nhiều quả vì khu vực này chịu ảnh hưởng kiểu khí hậu Tây Bắc với mùa đông khô lạnh, mùa hè nóng ẩm, rất thuận lợi cho cây bưởi ra hoa, đậu quả. Mặt khác, các vườn bưởi ở đây đều trồng men theo các sườn đồi dốc, có mực nước ngầm thấp, không cần điều khiển ra hoa như “xiết” nước, khoanh vỏ “hãm” cây mà bưởi vẫn luôn sai hoa nhiều quả.
Ngoài ra, lợi thế đất canh tác rộng, giúp cho các nhà vườn gieo trồng bưởi mật độ thích hợp 11 – 12 cây/sào (360 m2), thưa hơn rất nhiều so với bưởi trồng ở các tỉnh đồng bằng nên vườn cây luôn có độ thông thoáng, ít sâu bệnh hại.
Đất đồi còn có nhiều vi lượng qúy hiếm không thể thay thế, cũng giúp cho quả bưởi luôn thơm ngon, khác lạ. Coi như, thiên nhiên đã biệt đãi xứ Mường một khu vực sinh thái cho nhà nông trồng bưởi làm giàu.