Cây có múi là loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, diện tích trồng cây có múi có xu hướng tăng với loài chủ lực như cam sành, cam xoàn, quýt đường, quýt hồng, bưởi, chanh. Tuy nhiên để đảm bảo được năng suất cao, chất lượng ổn định thì ngoài biện pháp xử lý ra hoa, vấn đề quản lý sâu bệnh hại cũng quan trọng không kém. Trong đó sâu vẽ bùa là một trong những đối tượng gây hại nguy hiểm vào giai đoạn chồi non.
Bộ phận Kỹ thuật Nông nghiệp – Tổng công ty VI DAN xin chia sẻ đến quý nhà vườn những thông tin cần thiết và biện pháp phòng trừ sâu vẽ bùa gây hại cây có múi đạt hiệu quả.
Triệu chứng gây hại của của sâu vẽ bùa.
I. Đặc điểm hình thái và sinh học của sâu vẽ bùa
Sâu vẽ bùa có tên khoa học là Phyllocnistis citrella Staint., họ Phyllocnistidae, bộ cánh vảy (Lepidoptera). Sâu vẽ bùa xuất hiện ở nhiều nước trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ký chủ chính của sâu vẽ bùa là họ cây có múi – Rutaceae. Ngoài ra, sâu vẽ bùa còn tấn công măng cụt và một số cây trồng khác.
– Trưởng thành: Là một loại ngài nhỏ dài 2 – 3 mm, sải cánh rộng từ 4 – 5 mm, toàn thân có màu vàng nhạt phớt ánh bạc. Cánh trước có hình lá liễu, gốc cánh màu xám nhạt, phần còn lại màu trắng bạc hơi ngả vàng, phần đầu cánh có rìa lông khá dài màu đen. Cánh sau rất hẹp, nhỏ như hình kim, hai rìa lông bên ngoài dài màu xám nhạt. Thời gian sống của thành trùng từ 7 – 10 ngày. Một thành trùng cái đẻ từ 40 – 50 trứng. Trưởng thành hoạt động mạnh vào chiều tối.
– Trứng: Hình bầu dục dẹp, kích thước 0,2 – 0,3 mm. Trứng mới đẻ trong suốt, khi gần nở có màu trắng đục hơi ngả vàng. Trứng được đẻ rời rạc ở cả hai mặt lá, phần lớn nằm ở hai bên gân chính. Thời gian ủ trứng kéo dài từ 2 – 7 ngày.
– Ấu trùng (sâu non): Dạng mình dẹp, không chân. Khi sâu mới nở dài 0,5 mm thân màu xanh nhạt, gần như trong suốt, đầu có màu nâu, hai đầu thon nhỏ, chân bị thoái hóa. Sâu non đẫy sức dài khoảng 4 mm màu vàng xanh. Vào giai đoạn chuẩn bị hóa nhộng, sâu non đục ra mép lá, nhả tơ dệt kén để hóa nhộng ở đó, lúc này cơ thể sâu non không còn dẹp mà chuyển sang dạng hình ống ngả màu vàng đục. Sâu non phát triển trong khoảng thời gian từ 4 – 10 ngày. Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm nhưng mật số tập trung cao trong mùa mưa vì điều kiện thức ăn dồi dào và ẩm độ thích hợp (ẩm độ 80 – 90%). Vào mùa nắng, nhiệt độ nóng và khô trên các chồi non nên sâu vẽ bùa bị hại nhiều, mật số giảm đáng kể.
– Nhộng: Kích thước dài từ 3 – 4mm, hai đầu thon nhỏ, lúc mới hình thành màu vàng nhạt, sau chuyển thành màu nâu vàng với một gai rất nhỏ trên đầu. Nhộng phát triển trong thời gian từ 7 – 15 ngày.
Ảnh: Vòng đời của sâu vẽ bùa: 1. Trứng; 2. Ấu trùng; 3. Nhộng; 4. Trưởng thành
II. Triệu chứng gây hại
Sâu non mới nở đục vào lớp biểu bì mặt dưới lá ăn phần mô mềm, sâu non tiếp tục đục ăn tạo thành những đường ngoằn ngoèo. Sâu đục phá làm lớp biểu bì bị tách khỏi lớp nhu mô, sâu đi đến đâu biểu bì lá phồng lên đến đó.
Đường đục của một con sâu ngoằn ngoèo khắp mặt lá nhưng không bao giờ cắt ngang hoặc nhập chung vào đường đục của những sâu khác sống trên cùng một lá. Trung bình một lá chỉ bị 1 – 2 sâu tấn công, mật số sâu cao có thể ghi nhận 4 – 5 sâu/lá. Đường đục lớn dần theo độ tuổi sâu. Khi lớp biểu bì trên đường đục bị rách sâu sẽ chết sau một thời gian ngắn. Để hoàn thành giai đoạn ấu trùng sâu vẽ bùa có thể đục một đường dài đến 140mm. Ðiều này cho thấy nếu mật số sâu cao và nếu sâu tấn công vào giai đoạn lá còn thật non thì có thể sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
Sâu đục ăn tới đâu thường bài tiết phân đến đó nên vệt phân là một đường liên tục giống như sợi chỉ chạy dài theo đường đục của sâu ở phía chính giữa. Phân sâu lúc đầu có màu xanh vàng, sau thành màu nâu sẫm.
Các lá sâu đục phá sẽ quăn queo, co dúm và biến dạng nhất là những lá non, làm giảm khả năng quang hợp và giảm khả năng sinh trưởng của chồi non. Sâu vẽ bùa tấn công nhiều nhất vào những lá khoảng 5 – 10 ngày tuổi (kích thước lá khoảng 2 – 4 cm x 1 – 2 cm). Khi lá lớn và già thì tỷ lệ lá bị sâu tấn công giảm đáng kể.
Vết đục của sâu tạo điều kiện cho vi khuẩn Xanthomonas campestris xâm nhập và phát triển gây bệnh loét.
Thành trùng của sâu vẽ bùa.
III. Phòng trừ sâu vẽ bùa hại
a. Biện pháp canh tác
– Sau thu hoạch, cắt tỉa cành cho thông thoáng và bón phân, tưới nước thúc cây ra đọt tập trung. Khi bón thúc phân, kết hợp dùng 30 – 50g ĐỒNG TIỀN VÀNG/gốc giúp tái sinh bộ rễ nhanh chóng, bung đọt mạnh. Trên tán lá, dùng 100ml PHÂN TÍM + 500ml VUA NHÚ ĐỌT hòa 300 lít nước phun đều mặt lá phá miên trạng mầm ngủ, thúc cơi đọt bung đồng loạt. Tránh để đọt ra lọt sọt sẽ tạo nguồn thức ăn liên tục cho sâu vẽ bùa.
– Theo dõi thường xuyên các đợt cây ra lá non.
– Trường hợp cây bị hại nặng nên cắt bỏ các chồi lá đem tiêu hủy nguồn sâu, nhộng.
b. Biện pháp sinh học:
Nhân nuôi và bảo vệ thiên địch của sâu vẽ bùa là kiến vàng.
c. Biện pháp hóa học
– Khi mật số sâu vẽ bùa cao (tỷ lệ lá non bị nhiễm hơn 10%), nên sử dụng các loại thuốc hóa học như: Chlorpyrifos ethyl (Pyrinex, Vitashield), Imidacloprid (Confidor, Admire), Cypermethrin (Polytrin), Alpha – Cypermethrin (Fastac). Do sâu non ăn phá trong lớp biểu bì nên áp dụng phun thuốc sớm khi sâu vừa mới tạo đường đục để có hiệu quả cao. Sau khi phun thuốc khoảng 7 ngày, nếu mật số gây hại chưa giảm thì phun lại lần 2. Ngoài ra, sâu vẽ bùa có thể bộc phát tính kháng đối với thuốc nên cần luân phiên thuốc.
– Ngoài các loại thuốc trên, có thể sử dụng Dầu Khoáng để phun phòng trừ sâu vẽ bùa hoặc kết hợp Dầu Khoáng với thuốc bảo vệ thực vật khác để tăng khả năng bám dính và hiệu lực của thuốc. Tuy nhiên cần lưu ý, không phun Dầu Khoáng khi trời quá nóng, cây đang ra hoa, không pha chung với thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất lưu huỳnh, Propargite, Chlorothalonil.
Bộ phận Kỹ thuật nông nghiệp
Tổng công ty VI DAN