Giá chuối giảm mạnh khiến cho hàng nghìn hộ trồng chuối ở Hưng Yên gặp khó khăn. Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của cây chuối tiêu hồng cần hướng đi mới để các vùng trồng chuối phát triển bền vững, hiệu quả.
Vườn chuối tiêu hồng của gia đình ông Nguyễn Văn Tuần, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.
Khó khăn đầu ra cho cây chuối
Đến vùng trồng chuối nằm ven sông Hồng thuộc xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nơi nông dân đang từng ngày mong chờ giá chuối lên vào dịp tết Nguyên đán Bính Thân, ông Nguyễn Văn Tuần chủ vườn chuối tiêu hồng rộng 3 mẫu, ở thôn Toàn Thắng, ngậm ngùi nói: Chưa năm nào giá quả chuối lại thấp như năm nay; ngay từ đầu vụ giá chuối đã giảm mạnh, giao động khoảng 2.000 đồng/1kg. Đến thời điểm này, giá chuối mới được hơn 3.000 đồng/1kg, chưa bằng một nửa so với giá chuối năm trước. Giá chuối giảm mạnh làm gia đình tôi thất thu cả trăm triệu đồng.
Trưởng thôn Năm Mẫu, xã Tứ Dân, Ngô Văn Đán cho biết: Gần chục năm nay, cây chuối tiêu hồng mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân thôn Năm Mẫu, tới 300 triệu đồng/ha, nên phần lớn diện tích đất canh tác của thôn trồng chuối tiêu hồng; nông dân trong thôn còn thuê đất ở các xã vùng bãi ven sông Hồng trong tỉnh để trồng chuối. Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường đầu ra cho quả chuối không ổn định, giá xuống thấp, nhiều hộ đã phá bỏ cây chuối chuyển sang trồng cây khác, vì thế diện tích trồng chuối ở thôn Năm Mẫu đã giảm gần 50%, nếu giá còn thấp như hiện nay diện tích trồng chuối sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Tại xã Hùng An, huyện Kim Động là nơi có nhiều hộ nông dân ở vùng đất bãi mới chuyển đổi sang trồng chuối, anh Nguyễn Đắc Quân, thôn Tả Hà, tâm sự: Gia đình tôi trồng hơn 6 mẫu chuối tiêu hồng vào thời điểm thu hoạch rộ, quả đẹp mới bán được 2.000 đồng/kg, còn những buồng quả nhỏ mẫu mã xấu chỉ bán được hơn 1 nghìn đồng /kg. Trung bình một sào chuối phải đầu tư 3 triệu đồng gồm tiền thuê đất, mua phân bón, thuốc BVTV nhưng chỉ thu về được 2,8 – 3 triệu đồng. Tôi còn khoảng 300 – 400 buồng chuối, dự kiến bán và dịp Tết Nguyên đán, hy vọng giá cao hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên có gần 2.000 ha chuối được trồng chủ yếu ở vùng bãi thuộc các xã ven đê huyện Khoái Châu, Kim Động, thành phố Hưng Yên; trong nhiều năm, cây chuối là cây trồng hiệu quả, đã mang lại nguồn thu nhập lớn, từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng/ha/năm. Thị trường tiêu thụ chuối của tỉnh Hưng Yên chủ yếu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch ở dạng quả tươi.
Thời gian gần đây, lượng chuối tiêu thụ trong nước tăng không nhiều, xuất khẩu chuối tiểu ngạch khó khăn, giảm dần; trong khi đó, nhiều nơi nông dân đã tự phát chuyển đổi sang trồng chuối, dẫn đến sản lượng chuối tăng mạnh, cung vượt cầu, giá chuối giảm mạnh, từ 30% đến 50% (tùy theo thời điểm), làm nhiều hộ trồng chuối lao đao.
Hướng đi mới cho người trồng chuối
Trong bối cảnh nhiều nơi nông dân đổ xô trồng chuối tự phát, anh Phạm Năng Thành, ở xã Đại Tập huyện Khoái Châu đã chuyển đổi phương thức canh tác, trồng chuối theo quy trình VietGAP. Anh chia sẻ: Gia đình tôi trồng 20 ha chuối tiêu hồng theo quy trình VietGAP: lấy mẫu đất, nước phân tích những chỉ số tác động đến cây trồng; lựa chọn nguồn cây giống sạch bệnh, sử dụng phân bón, thuốc BVTV với liều lượng hợp lý, bao quả bằng túi nilon để hạn chế sự xâm hại của côn trùng và ảnh hưởng của thời tiết… có ghi chép nhật ký trong suốt quá trình sản xuất, từ khâu chọn giống đến thu hoạch, sơ chế, bảo quản theo đúng quy trình nên sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng tốt, mã vỏ đẹp. Tôi trồng chuối rải vụ để tránh áp lực về thời vụ, trong đó phần lớn thu hoạch từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau nên giá bán cao, trung bình khoảng 300 nghìn đồng/buồng.
Anh Thành còn liên kết với hàng chục hộ nông dân trong xã trồng chuối theo quy trìnhVietGAP, tổ chức thu mua chuối của các chủ vườn để tiêu thụ trong nước, xuất khẩu sang một số nước như Nga, Trung Quốc… với giá cao gấp 1,2 – 1,5 lần so với sản phẩm thông thường nên các hộ trồng chuối trong khối liên kết vẫn cho thu nhập khá.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu Trần Văn Đạt cho biết: Hướng đi mới của các vùng trồng chuối ở huyện Khoái Châu là chất lượng, hiệu quả; do vậy, UBND huyện đang chỉ đạo đẩy mạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sản xuất chuối theo quy trình VietGAP, xây dựng nhãn hiệu tập thể chuối tiêu hồng Khoái Châu, khuyến khích các hộ nông dân liên kết sản xuất, liên kết với doanh nghiệp chế biến tiêu thụ chuối.
Giám đốc Sở Công thương Hưng Yên, Vũ Đức Sơn nhận định: Thị trường Đài Loan, Hàn Quốc… có nhu cầu chuối rất lớn, giá cao; vấn đề đặt ra là nông dân có sản xuất được sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào được những thị trường này không? Do vậy để các vùng trồng chuối ở Hưng Yên phát triển bền vững, hiệu quả ngành nông nghiệp và các địa phương cần qui hoạch lại vùng trồng chuối, hỗ trợ nông dân chuyển hướng sản xuất từ quảng canh sang thâm canh cao, theo quy trình VietGap, bảo đảm sản phẩm sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã….Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm chuối tiêu hồng; khuyến cáo nông dân trồng rải vụ để tránh áp lực về thời vụ và dư thừa sản phẩm; xây dựng liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến để hình thành các vùng sản xuất chuối chất lượng cao, có thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu; thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến chuối…
Theo Phạm Hà/Báo Nhân Dân