Hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng đáng kể phân bón để phục vụ sản xuất trong nước, do đó đà tăng giá của thị trường phân bón thế giới đang kéo theo giá phân bón trong nước tăng lên.
Tính đến ngày 8/10, giá phân bón Urê tại TP HCM đã tăng 18 – 29%, tương ứng tăng 2.000 – 3.000 đồng/kg so với một tháng trước, dao động ở mức 13.000 – 13.500 đồng/kg. Đáng chú ý, mức giá này đã tăng gấp đôi so với đầu năm nay.
Giá phân bón DAP cũng tăng 1.500 – 2.200 đồng/kg trong 1 tháng qua, dao động ở mức 16.000 – 19.500 đồng/kg. Tương tự, giá Kali tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg.
Từ đầu năm đến nay, trước sự tăng giá của thị trường phân bón thế giới, giá nhập khẩu một số loại phân bón về Việt Nam đã tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và đợt tăng giá mới này có thể khiến giá phân bón nhập khẩu cũng như trong nước tiếp tục leo thang trong thời gian tới.
Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 sắp tới.
Giá phân bón tại TP. Hồ Chí Minh ngày 8/10/2021
Trên thị trường thế giới, giá phân bón Urê bất ngờ tăng vọt 200 – 300 USD/tấn trong tuần đầu tiên của tháng 10, do nhu cầu tăng trở lại trong khi nguồn cung thắt chặt tại châu Âu do giá khí đốt tăng cao khiến nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất.
Trên sàn giao dịch CME, kết thúc phiên giao dịch ngày 7/10, giá phân bón Urê hạt đục Ai Cập tăng 62,8% (tương ứng mức tăng 313 USD/tấn) so với cuối tháng 9 lên mức 810 USD/tấn (FOB).
Tại Vịnh Mỹ, giá Urê hạt đục tăng 194 USD/tấn so với cuối tháng 9 lên 712 USD/tấn (FOB). Đầu tháng 9, cơn bão Ida đổ bộ vào Mỹ khiến tình hình sản xuất phân bón bị gián đoạn, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung trong bối cảnh tồn kho Urê của Mỹ vốn đã ở mức thấp do sản xuất bị cắt giảm vào đầu năm nay.
Thêm vào đó sản xuất tại châu Âu bị ảnh hưởng bởi giá khí đốt tăng cao càng khiến tình hình trở lên căng thẳng, buộc người mua tại Mỹ phải trả một khoản phí lớn hơn để đảm bảo khối lượng hàng nhập khẩu.
Mặc dù vậy, hiện đã có nhiều tàu hàng được đặt để cập cảng NOLA trong những tháng tới, điều này đã giúp giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung tại Mỹ.
Giá Urê tại Brazil cũng đã tăng mạnh 292 USD/tấn trong tuần đầu tiên của tháng 10 lên mức 790 USD/tấn (CFR).
Tương tự, giá Urê hạt đục tại Trung Đông cũng tăng 283 USD/tấn so với cuối tháng 9 lên mức 740 USD/tấn.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại giá phân bón Urê thế giới chạm mức cao nhất trong hơn 10 năm qua, tăng vọt 2,6 – 2,7 lần, tương ứng mức tăng 440 – 516 USD/tấn so với hồi đầu năm nay.
Theo trang tin về phân bón Profercy, giá khí đốt tăng cao thời gian qua đã khiến nhiều công ty sản xuất phân bón tại châu Âu phải cắt giảm công suất.
Trong đó, CF Industries ở Anh là một trong những công ty đầu tiên chịu ảnh hưởng và phải đóng cửa cả hai nhà máy của mình, sau đó công ty phân bón Yara cũng thông báo cắt giảm sản lượng amoniac.
Trong khi đó, việc Ấn Độ tổ chức phiên đấu thầu mua Urê giữa lúc nguồn cung căng thẳng đã thúc đẩy đà tăng giá phân bón trên thị trường quốc tế.
Profercy nhận định, tốc độ tăng giá phân bón hiện nay là đáng kinh ngạc và chưa từng có, nhưng đợt tăng giá hiện tại dường như chưa kết thúc do giá khí đốt tiếp tục tăng cao trên toàn cầu và hoạt động sản xuất vẫn ở mức thấp.
Sau một thời gian trì hoãn, ngày 1/10, Công ty RCF Ấn Độ đã mở thầu mua 1,5 triệu tấn Urê, thời gian giao hàng trong tháng 10 và 11/2021.
Theo một số nguồn tin, đã có tổng cộng 1,9 triệu tấn Urê từ 12 nhà cung cấp tham gia phiên đấu thầu. Trong đó, có khoảng 732.000 tấn, phần lớn đến từ Trung Quốc tham gia đấu thầu với giá 665,5 USD/tấn (CFR), tương đương 620 USD/tấn (FOB).
Nguồn cung Urê cho đợt đấu thầu này của Ấn Độ nhiều khả năng vẫn chủ yếu đến từ Trung Quốc do giá rẻ hơn các nguồn cung khác.
Không chỉ có phân Urê, giá DAP tại Mỹ cũng tăng 34 USD/tấn so với cuối tháng 9 và tăng 291 USD/tấn so với đầu năm nay lên mức 683 USD/tấn (FOB). Bên cạnh đó, giá UAN tăng tới 170 USD/tấn so với cuối tháng 9 và tăng 339 USD/tấn so với đầu năm nay lên mức 473 USD/tấn.
Cùng với ảnh hưởng của giá khí đốt tăng cao, chính sách hạn chế xuất khẩu Phosphate của Trung Quốc và việc không chắc chắn về các lệnh trừng phạt với Belarus được cho là những nguyên nhân khiến giá nhiều loại phân bón tăng cao.
Nguồn cung trong nước tăng gần 1 triệu tấn, nhưng sản xuất có nguy cơ chậm lại trong quý IV
Để đảm bảo nguồn cung trong nước, thời gian qua hoạt động sản xuất và nhập khẩu tiếp tục được đẩy mạnh trong khi xuất khẩu đang giảm dần. Do đó, nguồn cung phân bón vẫn được đảm bảo.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Bộ Công Thương, tổng sản lượng các mặt hàng phân bón sản xuất trong nước sau 9 tháng đầu năm đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5,2 triệu tấn.
Trong đó, sản lượng phân bón Urê đạt 1,8 triệu tấn, tăng 1,5%; phân Lân đạt 666.332 tấn, tăng 5,4%; NPK đạt 2,3 triệu tấn, tăng 9,2%; DAP đạt 385.244 tấn, tăng 56,5%.
Nhập khẩu phân bón ước tính đã tăng 20,8% trong 9 tháng qua, tương ứng tăng hơn 603.229 tấn lên mức 3,5 triệu tấn. Trong đó, Urê là chủng loại phân bón có lượng nhập khẩu tăng mạnh nhất, tăng 4,7 lần so với 9 tháng năm ngoái, đạt 264.981 tấn.
Ở chiều ngược lại, lượng phân bón xuất khẩu trong quý III ước tính giảm 41% so với quý III năm ngoái, xuống còn 237.364 tấn. Tính đến hết tháng 9, lượng phân bón xuất khẩu đạt hơn 900.437 tấn, tăng nhẹ 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy, mức tăng của xuất khẩu phân bón sau 9 tháng đã thấp hơn nhiều so với con số tăng 43,9% của 6 tháng đầu năm.
Như vậy, tổng nguồn cung phân bón trong 9 tháng đầu năm nay là 7,8 triệu tấn, cao hơn gần 1 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái (Tính theo công thức: Sản xuất + nhập khẩu – xuất khẩu).
Tuy nhiên, đang có những lo ngại về hoạt động sản xuất phân bón trong những tháng cuối năm khi hai nhà máy trong nước là DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai đang sản xuất cầm chừng vì thiếu nguyên liệu apatit.
Việc đơn vị duy nhất ở trong nước sản xuất được quặng apatit tuyển là Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (Công ty Apatit) thông báo tạm dừng cung cấp loại nguyên liệu này, khiến các nhà máy phân bón chứa lân lo ngại về khả năng duy trì sản xuất trong thời gian tới.
Điều này này ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp lượng lớn phân lân và phân DAP cho thị trường và gián tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị sản xuất phân bón NPK.