Ghi dấu nhiều tiến bộ của nông dân canh tác lúa ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long

Tại các vùng Dự án VnSAT ở ĐBSCL, nhiều mô hình áp dụng quy trình canh tác lúa tiên tiến đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, giảm chi phí.

Áp dụng kỹ thuật mới

Ở ĐBSCL từ năm 2015 – 2020 (gia hạn đến tháng 6/2022), hợp phần phát triển lúa gạo bền vững của Dự án VnSAT thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố, gồm: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang đã ghi dấu nhiều nỗ lực, tiến bộ của nông dân trong việc liên kết sản xuất, góp phần thúc đẩy các HTX nông nghiệp chuyên canh cây lúa đạt nhiều thành tựu mới. Đặc biệt, dấu ấn trong việc áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh lúa “1 phải 5 giảm” đã giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.

Nông dân ở Hậu Giang sử dụng máy cấy lúa giúp giảm lượng giống so với sạ lan truyền thống. (Ảnh: Hữu Đức)

Tại xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè (Tiền Giang), HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Trung được sự hỗ trợ từ dự án VnSAT đã hoạt động hiệu quả ở hầu hết các lĩnh vực, nhất là trong SX lúa.

Ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc HTX Mỹ Trung phấn khởi chia sẻ: Qua 3 năm tham gia dự án VnSAT, thành viên HTX cũng như bà con nông dân liên kết với HTX được hưởng nhiều lợi ích. Nhất là trong SX lúa, dự án đã tập huấn cho bà con nông dân 23 lớp “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”. Từ đó đã thay đổi cách làm của nông dân rất nhiều.

Trước đây, nông dân gieo sạ theo truyền thống thường dùng lượng giống từ 15 – 20 kg/công (1.000m2). Hiện nay, bà con thay đổi rất nhiều, giảm xuống còn 8 – 10 kg/công. Theo ông Thạnh, hồi đầu khi áp dụng giảm giống gieo sạ, nhiều hộ thành viên còn e ngại.

“Cách đây 3 năm vào vụ đông xuân, tôi trình diễn mô hình lúa cấy có 6 kg giống/công. Lúc đó, nhiều bà con bàn tán, làm vậy sao có ăn? Vậy mà lúa trúng bất ngờ hơn 42 giạ/công (tương đương 8,4 tấn/ha), trúng nhất từ hồi tôi làm lúa đến giờ. Sau vụ đó, bà con mới xin áp dụng lúa cấy. Đến vụ vừa rồi, hơn 500 ha SX lúa của bà con trong HTX đều áp dụng lúa cấy lượng giống 6 kg/công”, ông Thạnh kể.

Nhờ giảm giống, nông dân của HTX đã giảm mạnh được phân bón. Trước đây, sạ dày nông dân phải bón từ 40 – 45 kg/công. Hiện nay, phân bón hóa học giảm xuống còn 20 kg/công và kết hợp bón thêm 15 kg phân bón hữu cơ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững hiện nay.

Mô hình ruộng lúa áp dụng kỹ thuật canh tác lúa “1 phải 5 giảm” ở An Giang. (Ảnh: Hữu Đức)

“Trước đó, nhờ được tập huấn kỹ thuật từ dự án VnSAT nên thành viên HTX đã mạnh dạn áp dụng quy trình bón phân mới. Bà con tham gia chỉ sử dụng 20 kg phân bón hóa học và 15 kg phân hữu cơ. Hiện nay, nếu so ra, bón phân theo quy trình này giúp tiết kiệm được ít nhất khoảng 20-30% chi phí phân bón so với cách bón 100% phân hóa học mà cây lúa rất khỏe và ít bệnh. Từ đó, số lần phun xịt thuốc BVTV cũng giảm hẳn từ 5-6 lần xuống chỉ còn 2-3 lần”, ông Thạnh cho biết thêm.

Dự án VnSAT đã tác động tích cực, thay đổi hành vi sản xuất lúa của các hộ nông dân trong vùng dự án, chuyển đổi từ việc trồng lúa theo kiểu truyền thống sang trồng lúa áp dụng quy trình kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”.

Qua đó, giúp giảm chi phí sản xuất thông qua giảm lượng giống gieo sạ, lượng phân hóa học dư thừa, số lần phun thuốc trừ sâu, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch, từ đây đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận trong sản xuất lúa trung bình trong vùng dự án là 36,4% so với trước dự án và vùng sản xuất lúa ngoài dự án.

Đến nay, phần lớn nông dân vùng dự án VnSAT ở Tiền Giang đều áp dụng lượng giống giảm rất nhiều so với trước nhờ được tập huấn kiến thức khoa học chăm sóc ruộng đồng. Theo Ban quản lý dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang, đối với kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, mục tiêu dự án sẽ đào tạo 34.560 lượt người và diện tích áp dụng sau đào tạo là 8.000 ha.

Gần đây nhất, kết quả đánh giá vụ đông xuân 2020 – 2021 về tỷ lệ áp dụng “3 giảm 3 tăng” chung của Tiền Giang là 92,7% về số hộ và 93,3% về diện tích. Tỷ lệ hộ áp dụng “1 phải 5 giảm” là 97,5% về số hộ và 98,8% về diện tích.

Cần điều kiện hạ tầng sản xuất

Ở Hậu Giang, hiện có trên 14.000 hộ nông dân được tập huấn, áp dụng “1 phải 5 giảm” và đạt 14.680 ha, vượt xa so với mục tiêu đề ra. Dự án VnSAT triển khai tại tỉnh Hậu Giang trên địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố, có 32 xã tham gia. Mục tiêu đề ra là có 69.000 người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án và ít nhất 16 tổ chức nông dân, HTX được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

Nông dân giảm dần lượng phân bón hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ. (Ảnh: Đào Chánh)

Ông Võ Minh Phúc, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Hậu Giang cho rằng: Để nông dân áp dụng tốt các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, cần phải có điều kiện hạ tầng sản xuất tốt.

Khi nông dân gieo sạ lượng lúa giống 100 – 120 kg/ha, ngoài việc sử dụng giống cấp xác nhận, cần có mặt bằng đồng ruộng thật tốt, quản lý bơm, thoát nước hiệu quả… Từ đó, sẽ giúp tránh tổn thất giống khi gieo sạ, nhằm đảm bảo mật độ cây lúa khi phát triển và giữ được năng suất đã đề ra khi thu hoạch.

Hiệu quả từ dự án VnSAT đã tạo bước tiến mới giúp nông dân Hậu Giang sản xuất lúa hiệu quả, bền vững. Ứng dụng máy cấy lúa, giúp giảm lượng lúa giống xuống mức còn 60 – 80 kg/ha, so với mức 150 – 200 kg/ha sạ lan truyền thống. Qua đó kéo theo giảm được vật tư đầu vào như: Giảm phân bón hóa học, nhất là phân đạm, giảm số lần phun xịt thuốc phòng trừ dịch hại, giảm tác động đến tài nguyên thiên nhiên, nhất là giảm lượng nước tưới (trung bình giảm khoảng 25 – 30%), giảm chi phí bơm tưới… Qua đó, giúp giảm phát thải khí nhà kính tương đương khoảng 166.249 tấn (mục tiêu giảm 113.333 tấn).

Dấu ấn hiệu quả

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT An Giang cho biết: Bình quân mỗi năm An Giang có gần 700 ngàn ha sản xuất lúa 3 vụ. Tỉnh khuyến cáo nông dân cần áp dụng các giải pháp tiến bộ kỹ thuật, trong đó chú trọng “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”.

Qua thực tiễn sản xuất, việc áp dụng các giải pháp này đã giúp nông dân giảm chi phí đáng kể đầu vào và cuối vụ đạt năng suất, lợi nhuận cao hơn so với sản xuất theo tập quán cũ trước đây. Từ năm 2016 đến nay, dự án VnSAT triển khai tại 5 huyện, 45 xã, với trên 26.000 hộ tham gia trên diện tích hơn 38.600 ha. Đến nay, trên 18.000 hộ nông dân đã được tập huấn các quy trình kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, thực hành canh tác trên 25.000 ha.

Nông dân chăm sóc lúa cấy trên đồng trong vùng dự án VnSAT ở Hậu Giang. (Ảnh: Hữu Đức)

Ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Những năm gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngành nông nghiệp luôn đưa ra khuyến cáo nông dân cần đẩy mạnh áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm gia tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư.

Hiện nay toàn tỉnh An Giang mỗi vụ lúa nông dân áp dụng “3 giảm 3 tăng” trên 85% diện tích và “1 phải 5 giảm” áp dụng trên 50% diện tích. Riêng vụ lúa thu đông 2021, An Giang xuống giống trên 160.000 ha lúa trong tình hình cao điểm phòng chống dịch Covid-19 cùng với áp lực giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nhất là giá phân bón và thuốc BVTV. Vì vậy, giải pháp “1 phải 5 giảm” là rất cần thiết và mang nhiều ý nghĩa thiết thực trong việc tạo hiệu quả lợi nhuận cuối vụ.

Quy trình kỹ thuật “1 phải 5 giảm” là tiến bộ kỹ thuật đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận (Quyết định số 532/QĐ-TT-CLT ngày 07/11/2012). Hiện nay nông dân áp dụng “1 phải 5 giảm” trong vùng dự án VnSAT tại Sóc Trăng tương đương 20.000 ha/vụ, cơ cấu sản xuất 2 vụ/năm.

Tại địa bàn sản xuất lúa ngoại thành TP. Cần Thơ triển khai dự án VnSAT, đến tháng 5/2020 đạt gần 10.000 ha lúa sản xuất theo quy trình kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, chiếm trên 52% diện tích. Tỷ lệ tăng lợi nhuận nông dân thu được trên ha 11% so với nông dân ngoài dự án, tăng hơn trước dự án 3%.

 

Theo Hữu Đức – Đào Chánh / nongnghiep.vn

 

 

 

Liên hệ đặt hàng

remove 0385224466 phone skype email facebook zalo youtube