Từ mấy năm nay, cây thanh long ruột đỏ đã bén rễ vùng đất lúa nhiễm phèn ở vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim, Tam Nông, Đồng Tháp, giúp nhiều hộ dân khá giả.
Là 1 trong số 3 xã của huyện Tam Nông được chọn làm điểm xây dựng NTM, chính quyền xã Phú Đức xác định thu nhập là 1 trong những tiêu chí khó. Bởi phần lớn đất sản xuất ở đây nhiễm phèn, lúa là cây chủ lực nhưng năng suất không cao, 1 năm thường chỉ trồng 2 vụ. Vì thế, từ mấy năm trước, chính quyền huyện, xã đã lập kế hoạch, tập trung nguồn lực để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Riêng tại xã Phú Đức, những khu vực đất đồi, gò, thường xuyên bị phá hoại bởi chuột bọ, côn trùng gây hại cây lúa, được chuyển sang trồng các loại cây ăn trái như mít, xoài, cam, dừa. Còn những ruộng lúa thấp, được nhiều hộ chuyển sang trồng cây “rồng đỏ” (thanh long ruột đỏ).
Kết quả, sau vài năm chuyển đổi cây trồng, xã Phú Đức đã đạt tiêu chí thu nhập, đạt chuẩn xã NTM theo bộ tiêu chí của huyện. Đặc biệt, nhiều hộ sau khi chuyển đổi đất lúa sang trồng cây khác, đã có thu nhập cao gấp 6-7 lần trồng lúa. Từ chỗ chỉ đủ ăn, nay bắt đầu có dư.
Với 7 công đất lúa nhiễm phèn, mỗi năm làm 2 vụ, tổng thu nhập chừng 30 triệu, năm 2018, sau khi chuyển hết sang trồng thanh long, ông Lê Thanh Phương, ở ấp K8, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, đã có tổng thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. “Đất này nhiễm phèn nặng lắm, hồi xưa trồng lúa lúc được lúc không. Nhiều khi nước đỏ như pha màu, lúa chết hoặc năng suất thấp lắm. 1 công được chừng 3 tạ thóc thôi. Sau khi chyển sang trồng thanh long thì thu nhập khá hơn nhiều”, ông Phương nói.
Ông Phương cho biết, chuyển qua thanh long thì tốt hơn lúa chắc rồi. Nhưng nhiều hay ít còn phụ thuộc nhiều thứ, ví dụ đầu tư, kỹ thuật chăm sóc, giá thị trường. “Cũng có khi hên xui nữa. Như có vụ mấy vườn khác bị thất, tôi lại trúng, vậy là nguồn cung ít, thanh long có giá cao. Cũng có vụ tôi xông đèn, hơn 6 công thu hoạch tới 9 tấn, bán được 200 triệu, trừ chi phí chừng 50 triệu thôi. Đó là vụ tôi thắng lớn nhất kể từ khi bắt đầu trồng thanh long.
Người ta trồng thanh long mỗi năm thu tới 6 vụ, tôi chỉ làm 4 hoặc 5 vụ thôi. Với hơn 6 công thanh long này, bình quân mỗi vụ tôi thu từ 4-5 tấn trái, với giá tuỳ thời điểm, có thể được từ 25-40 ngàn đồng/kg, tính ra mỗi vụ cũng thu khoảng 70 triệu đồng. Trừ chi phí khoảng 40%. Như vậy mỗi năm cũng kiếm được khoảng trên dưới 200 triệu đồng. trong khi trồng lúa, hên thì được 3 chục triệu. Như vậy trồng thanh long thu nhập cap hơn lúa khoảng 7-8 lần”, ông Phương nói.
Theo ông Phương, chăm sóc thanh long cực hơn lúa. Mỗi tuần phải dọn, cắt nhánh 1 lần, không mấy nhánh phát triển, nặng là gãy trụ. “Vào mùa mưa nếu không dọn thì cây dễ bệnh. Ở đây phải múc mương, chấp nhận mất đất, chứ nếu tiếc, trồng trên đất phẳng là thua. Mà mình múc mương thì cũng thả các loại cá tạp như lươn, trạch, cá rô, chép xuống, cũng tăng thêm chút thu nhập chứ không phải mất trắng. Năm ngoái tôi vét mấy mương này, cũng được hơn 5 chục ký cá các loại. Tôi đang tính vét mương sâu xuống, làm sạch, thả thêm cá tra, cá vồ đém”, ông Phương nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đức cho biết, xã nằm trên trục tỉnh lộ ĐT843, phần lớn đất nông nghiệp thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim. Phần lớn đất canh tác đều nhiễm phèn, canh tác lúa hiệu quả không cao. Sau khi tỉnh, huyện có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã cũng xác định đây là mục tiêu quan trọng để giúp người dân nâng cao thu nhập bền vững, đáp ứng mục tiêu xây dựng NTM.
Sau đó, huyện chủ động mời các nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ sang nghiên cứu và tư vấn loại cây trồng phù hợp ở vùng đất này để địa phương tiến hành chuyển đổi. Sau nhiều lần lấy mẫu đất, nước, mít, xoài, thanh long ruột đỏ là những loại cây được các nhà khoa học gợi ý cho việc chuyển đổi. Đến nay, sau mấy năm chuyển đổi cả cây trổng lẫn vật nuôi, rất nhiều mô hình chuyển đôi thành công, nhiều hộ dân thoát nghèo, khá hoặc giàu lên. Trong đó có nhiều hộ trồng thanh long VietGAP cũng rất thành công.
Song song với việc nhờ nhà khoa học tư vấn cây trồng chuyển đổi cũng như kỹ thuật canh tác, địa phương cũng tiến hành tìm đối tác tiêu thụ cho sản phẩm. Hiện tại, đã có mấy doanh nghiệp thu mua thanh long ở Long An, Vĩnh Long hợp tác tiêu thụ thanh long cho các hộ ở địa phương, nên đầu ra sản phẩm tạm ổn.
Theo ông Dũng, vấn đề quan trọng khi xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp mới hiện nay là ngoài việc chọn mô hình nào cho phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, thì vấn đề tiêu thụ cũng quan trọng không kém. Thậm chí, phải tìm hiểu thị trường trước, sau đó tiến hành tổ chức sản xuất.
“Sau mấy năm trồng thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ, thấy nó phù hợp với vùng đất này. Cây thanh long cho thấy hiệu quả cao gấp gần chục lần so với trồng lúa. Nên vừa rồi UBND huyện Tam Nông đã có kế hoạch triển khai mô hình trồng thanh long ruột đỏ lên khoảng 100ha ở địa phận xã Phú Đức”, ông Dũng nói.
“Hiện tại, xã đã có nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả cao, thu nhập gấp nhiều lần lúa. Trong đó, trồng cây ngắn ngày có bắp sinh khối, đậu nành, rau, củ kiệu…còn cây lâu năm có xoài Đài Loan, mít Thái, quýt Lai Vung, dừa… Song song đó, chúng tôi chú trọng việc sản xuất sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng những buổi tập huấn kỹ thuật, hội thảo đầu bờ. Khi có vùng nguyên liệu đủ lớn, sản phẩm chất lượng thì địa phương sẽ hỗ trợ nông dân việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu”, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đức.