Thủ phủ hồ tiêu Bình Phước đang bước vào cao điểm thu hoạch. Bên cạnh việc phấn khởi được mùa được giá, nhiều nhà vườn đang “đỏ mắt” tìm nhân công để thu hái…
Tăng lương vẫn không kiếm nổi người làm
Với diện tích trên 13.500 ha, Bình Phước là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu nhiều nhất cả nước, được trồng tập trung tại các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Bình Long… Hiện nay, hồ tiêu bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, việc thiếu nhân công thu hái trở thành nỗi lo của nhiều hộ nông dân ngay khi hết Tết. Mặc dù sẵn sàng trả mức thù lao cao nhưng nhiều hộ nông dân vẫn không thể thuê mướn được nhân công để thu hoạch.
Trung bình mỗi trụ tiêu cao từ 2,5-3m, do đặc thù trái tiêu nhỏ, kết theo chuỗi nằm xen lẫn trong cành, thân lá nên việc thu hoạch chỉ dựa vào thủ công là chính. (Ảnh:Trần Trung)
Theo người dân địa phương, hồ tiêu là loại cây dây leo bám vào các trụ sống bằng các loại cây thân gỗ như keo, cẩm lai,… trung bình mỗi trụ tiêu cao từ 2,5-3m, do đặc thù trái tiêu nhỏ, kết theo chuỗi nằm xen lẫn trong cành, thân lá nên việc thu hoạch chỉ dựa vào thủ công là chính.
Trung bình 1 ha tiêu vào mùa thu hoạch tối thiểu cần từ 20 đến 30 nhân công hái liên tục từ 45 đến 60 ngày. Nếu như năm ngoái giá tiền công thu hái mỗi người chỉ từ 150.000 đến 180.000 đồng/ngày thì nay đã tăng lên 220.000 đến 250.000/ngày, thậm chí nhà vườn hỗ trợ bữa ăn phụ và tiền xăng đối với nhân công ở xa,… nhưng cũng rất khó tuyển.
Theo anh Hoàng do thiếu công ngay từ mùng 4 Tết vợ chồng anh phải ra vườn để thu hoạch hồ tiêu.
(Ảnh: Trần Trung)
Gia đình anh Hoàng Ngọc Hoàng, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp có 2 ha hồ tiêu đã chín rực từ trước Tết. Ngay từ mùng 4 Tết, vợ chồng anh đã phải ra vườn để hái tiêu. Anh Hoàng cho hay, hồ tiêu năm nay thu hoạch sớm hơn mọi năm, thông thường trước Tết anh đã liên hệ tìm công hái nhưng hiện đã qua Tết cả chục ngày, dù đã gọi tất cả các mối quen nhưng đều bị từ chối.
Theo anh Hoàng, hầu hết lao động trẻ tại địa phương đều đang làm việc tại các công ty xí nghiệp ngoài tỉnh, sau khi về nghỉ Tết ít ngày họ lại kéo nhau đi làm công ty. Trong khi đó, lao động thời vụ tại địa phương không mấy mặn mà với công việc hái tiêu vì vừa nắng vừa nặng nhọc, mà việc làm cũng không thường xuyên. Vì thế, họ thường chọn làm công nhân cạo mủ cao su hoặc bóc tách hạt điều, vừa nhàn, thu nhập lại khá hơn.
“Vật giá leo thang, tiền mất giá nên người ta cũng đòi hỏi đáp ứng cuộc sống người ta mới làm nên mình không thể trách được. Ngoài trả 220.000 đồng/8 tiếng hái tiêu mình còn phụ thêm mỗi người 10.000 tiền xăng, hỗ trợ ăn trưa, nước uống, sau vụ tổ chức tiệc liên hoan nhưng họ cũng không mấy hào hứng thì đành chịu”, anh Hoàng trăn trở.
Thiếu lao động nông thôn là nỗi trăn trở của ngành nông nghiệp hiện nay. (Ảnh: Trần Trung)
Không chỉ vườn tiêu của anh Hoàng, mà hầu hết các vườn tiêu lân cận đều vắng hoe. Cách đó không xa, anh Bùi Quốc Hay – Giám đốc HTX tiêu sạch Hưng Phước cho biết, các chủ vườn có diện tích lớn 5–10 ha thì luôn có sự chuẩn bị trước may ra mới có nhân công. Còn các hộ có diện tích nhỏ thì thời điểm này rất khó tìm được công hái.
Giá thuê nhân công thu hoạch hồ tiêu cũng đang ở mức cao, bình quân khoảng 9 triệu đồng/tấn tiêu tươi. Mức giá này các nhà vườn vẫn đang chấp nhận được. Điều bà con lo ngại là những công nhân chuyên hái tiêu hầu hết đã chuyển nghề, công nhân mới chưa quen việc nên không bảo đảm năng suất, khiến chi phí tăng thêm từ 4–5 triệu/tấn quả tươi.
“Gia đình tôi mới thuê được 7 người thu hái tiêu, nhưng năng suất làm việc của họ chỉ bằng khoảng 3 người so với trước. Chúng tôi đang động viên tinh thần người lao động để họ làm việc tốt hơn trong những ngày tới”, anh Hay chia sẻ.
Nhiều giải pháp thực thi
Theo nhiều bà con nông dân, tình trạng thiếu nhân công có thể kéo dài trong tháng Giêng. Do đó, các nhà vườn đã chủ động thực hiện các giải pháp và phương án thu hoạch hồ tiêu hợp lý, hạn chế thất thoát để cứu vãn tình thế.
Chị Mỳ đã tận dụng lưới che tiêu cũ từ vườn tiêu tơ đã trưởng thành để phủ toàn bộ gốc tiêu và chờ tiêu rụng, sau đó thu gom. (Ảnh: Trần Trung)
Gia đình chị Nguyễn Thị Mỳ, xã Thiện Hưng có gần 4.000 trụ tiêu chín đỏ, đã qua “thời gian vàng” để thu hoạch. Trước thực trạng này, chị Mỳ đã tận dụng lưới che tiêu cũ từ vườn tiêu tơ đã trưởng thành để phủ toàn bộ gốc tiêu trong vườn và… chờ tiêu rụng, sau đó thu gom.
Theo chị Mỳ, chỉ tính riêng tiền thuê nhân công, vụ năm trước gia đình chị bỏ ra gần 200 triệu đồng. Nhờ sử dụng lưới, mặc dù sản lượng có thể giảm do tiêu chín quá, khâu chế biến vò, sấy sẽ bị hao hụt, nhưng đây cũng là cách trước mắt để đối phó với tình trạng thiếu nhân công thu hái.
Lao động ngoài địa phương thu hoạch hồ tiêu tại HTX tiêu hữu cơ Lộc Quang huyện Lộc Ninh. (Ảnh: Trần Trung)
Trong khi đó, việc tìm kiếm nguồn lao động mùa vụ từ ngoài tỉnh đang là giải pháp được nhiều nông dân tại huyện Lộc Ninh thực hiện. Dù tốn thời gian và chi phí tìm lao động, nhưng việc chủ động được nhân công số lượng lớn, duy trì liên tục khiến cho nhiều người trồng tiêu hóa giải được nỗi lo khi mỗi vụ thu hoạch tiêu đến.
Anh Phạm Thanh Chung, Giám đốc HTX tiêu hữu cơ Lộc Quang huyện Lộc Ninh cho biết, để giải bài toán về nhân công cho vườn tiêu nhà và 21 ha tiêu của 9 thành viên, sau Tết Nguyên đán 2022, anh chủ động xuống các tỉnh miền Tây Nam bộ như Tiền Giang, Sóc Trăng… để tìm kiếm lao động nhàn rỗi.
“Hiện HTX đã thuê được gần 20 lao động từ các tỉnh miền Tây, để thu hút được nhân lực, bên cạnh trả lương theo giá thị trường, HTX chủ động bố trí nơi ăn ở để họ gắn bó với công việc. Nhìn chung các lao động đều rất hài lòng và cam kết sẽ kêu gọi thêm người thân quen từ quê lên Bình Phước để làm việc, nếu thuận lợi chỉ hơn 1 tháng nữa công tác thu hoạch hồ tiêu của HTX hoàn tất”, anh Chung phấn khởi nói.
Ngành chức năng khuyến cáo
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bù Đốp, cây hồ tiêu không giống như cây trồng khác, để giữ vườn thực sự ổn định, lâu dài đòi hỏi nhà nông phải có kiến thức trồng và yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe. Nếu để hồ tiêu chín và tự rụng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cây, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong những năm tiếp theo. Do đó, thu hoạch bằng phương pháp thủ công hiện vẫn là biện pháp tối ưu nhất.
Thu hoạch hồ tiêu bằng phương pháp thủ công là phương pháp tối ưu. (Ảnh: Trần Trung)
Đề án “nông nghiệp sạch,” xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường, các chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp công nghệ cao,…là giải pháp của thủ phủ hồ tiêu Bình Phước trong thời gian tới. (Ảnh: Trần Trung)
“Giá hồ tiêu tăng đang là tín hiệu mừng cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất hồ tiêu trong tỉnh. Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con chú ý hơn đến các khâu thu hoạch khi tiêu đủ độ chín, phơi sấy sản phẩm đúng cách để nâng cao chất lượng. Sau thu hoạch, cần chăm sóc, phòng trừ bệnh đúng cách, kịp thời để vườn cây tăng sức đề kháng, chống chọi tốt với các loại dịch bệnh nguy hiểm như chết nhanh, chết chậm.
Ngoài ra, nhà nông cũng cần đẩy mạnh áp dụng các phương thức canh tác theo quy trình nông nghiệp tốt. Trong đó, cần dùng trụ sống cho tiêu leo, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn thực phẩm”, tiến sĩ Bắc nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Phước, cũng như thông lệ các năm trước, thời điểm sau Tết Nguyên đán thường thiếu lao động phổ thông rất nhiều. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên năm nay càng thiếu nhân công nhiều hơn. Vì thế, việc thu hút nhân công lao động ngoài tỉnh về Bình Phước là một trong những giải pháp tốt để góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn nhân công thu hoạch tiêu hiện nay.
Hồ tiêu là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Phước. Trong những năm qua, mục tiêu phát triển hồ tiêu bền vững là trọng tâm định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh trong tái cơ cấu nông nghiệp. Trước tình hình giá tiêu dần phục hồi, ngành nông nghiệp Bình Phước khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích để đảm bảo quy hoạch; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “nông nghiệp sạch,” xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường, các chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp công nghệ cao,… giúp người trồng tiêu ổn định cuộc sống, tránh điệp khúc chặt, trồng chạy theo giá cả của các mặt hàng nông nghiệp khác.