Ngày nay, nông nghiệp công nghệ cao, sạch và bền vững không thể thiếu việc ứng dụng chiếu sáng nhân tạo nhằm điều khiển hoặc bổ sung cho ánh sáng tự nhiên.
Chong đèn chiếu sáng cho hoa cúc.
Đây cũng là vấn đề cần quan tâm trong tái cấu trúc tổng thể nông nghiệp nói chung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói riêng ở Việt Nam hiện nay.
Năm 1995 ngẫu nhiên có một nhà nông thắp đèn buổi tối ở sân, thấy trụ thanh long gần đèn ra hoa, ra quả trái vụ khác hẳn các trụ ở xa.
Rồi từ đấy, phong trào dùng đèn dây tóc 60 – 75 W chong đèn cho thanh long nghịch vụ, khống chế hoa cúc ra hoa thành phong trào tự phát. Diện tích thanh long, diện tích trồng hoa phát triển mạnh mẽ, điện cho chong đèn thiếu nghiêm trọng.
Năm 2005 Cty CP Bóng đèn – phích nước Rạng Đông đã nghiên cứu và chế tạo thành công loại đèn compact có phổ gần với đèn dây tóc. Sau đó Cty kết hợp với các trang trại hoa cúc ở phía Bắc và Hiệp hội hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) để chiếu sáng thử nghiệm.
Hội Nông dân Bình Thuận cũng thử nghiệm sử dụng đèn compact 2700oK của Cty thay thế đèn dây tóc trong chong đèn cho hoa cúc, cây thuốc lá, thanh long trái vụ ở miền Bắc, Bình Thuận và Lâm Đồng, giảm được ít nhất 2/3 điện năng tiêu tốn.
Cho đến nay, một số ít trang trại đã sử dụng 100% đèn compact. Nhưng phổ biến ở các địa phương vẫn giữ tỷ lệ 30% dùng đèn compact, 30% dùng một nửa đèn dây tóc, một nửa đèn compact và còn khoảng 30% vẫn dùng đèn dây tóc.
Theo công bố của TCty Điện lực miền Nam EVNSPC vào tháng 6/2014, lượng sử dụng đèn dây tóc còn rất lớn. Chỉ riêng chong đèn cho 25.000 ha thanh long ở ba tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An hiện nay vẫn còn sử dụng tới 14 triệu bóng đèn sợi đốt.
Nếu thay thế nốt số đèn sợi đốt này bằng đèn compact 20 W – 2700oK, chỉ tính hệ số sử dụng 0,7, giá 1.340 đồng/KwH thì tổng số tiền tiết kiệm hàng năm về điện chong đèn cho thanh long tới 280 tỷ đồng/năm.
Sản lượng điện thương phẩm sử dụng cho thanh long Bình Thuận tăng bình quân 18%/năm, nhưng từ năm 2012 – 2013 đã phải tiết giảm 50% công suất phụ tải để bảo đảm hệ thống điện vận hành an toàn.
Theo KS Nguyễn Đoàn Thăng, TGĐ Cty CP Bóng đèn – phích nước Rạng Đông: Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi cho gieo trồng của Việt Nam, ngành rau hoa quả đang được lựa chọn là ngành mũi nhọn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó ngành hoa có thu nhập bình quân trên 1 ha cao nhất so với các loại cây trồng nên có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so các ngành SX nông nghiệp khác.
Đặc biệt, TP Đà Lạt có khí hậu thuận lợi nhất cho SX hoa quanh năm đang được coi là sản phẩm chủ lực và dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, so với Malaysia thì chỉ riêng số lượng xuất khẩu hoa cúc năm 2012 của nước này sang Nhật Bản đã trên 185 triệu cành. Trong khi diện tích trồng hoa của Malaysia nhỏ hơn Việt Nam.
Các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam đều đã xác định từ lâu chong đèn trong quá trình điều khiển, khống chế ra hoa, quả trái vụ của các loại cây ngày ngắn và ngày dài là quá trình điều khiển bằng tín hiệu tới một số sắc tố gắn với một protein đặc biệt rất mẫn cảm với tín hiệu ngoại cảnh ngay ở mức độ yếu.
Vấn đề không phải là công suất đèn, không phải cường độ chiếu sáng mạnh thì tốt, mà chủ yếu xác định đúng bước sóng thích hợp của các photon được sắc tố thực vật hấp thụ, chỉ cần đủ một ngưỡng nhất định, thời điểm và phương pháp chong đèn, thời gian chong đèn vừa đủ để khống chế hoặc điều khiển hình thành nụ, hoa vừa tiết kiệm điện, vừa rút ngắn chu kỳ ra hoa.
Hiện nay, nông dân sử dụng đèn dây tóc, đèn compact thông thường bán trên thị trường dùng cho mục đích hoạt động thị giác, nhiều dải phổ không được sắc tố cây trồng hấp thụ để điều khiển hoặc khống chế hình thành nụ, hoa nên rất lãng phí.
Chong đèn khống chế ra hoa cây cúc, một đêm tới 8 – 10 tiếng, cần chong đèn 8 – 10 ngày. Chong đèn cho thanh long tới trên 10 tiếng một đêm, cần chong tới 15, 20 thậm chí 22 đêm một đợt. Nếu có nguồn sáng chuyên dụng thích hợp công suất điện tiêu tốn có thể giảm hơn, giảm được rất nhiều giờ thắp đèn trong đêm và số đêm chong đèn mỗi đợt.
Các nhà khoa học nông nghiệp đều biết rõ điều đó, song muốn có loại nguồn sáng chuyên dụng phù hợp cũng không có nhà SX bóng đèn nào đầu tư nghiên cứu để đáp ứng với giá cả phù hợp.
Gần đây có Cty giới thiệu với bà con trồng thanh long sản phẩm đèn LED 2,3 W nói là chong đèn cho thanh long, giá 1 đèn là 190.000 đồng. Nếu mắc ngã bốn, 1 ha cần tới 1.000 đèn, nếu mắc ngã bốn cộng ngã hai, 1 ha cần tới 1.800 đèn. Riêng tiền mua đèn đã tới 190 – 340 triệu đồng/ha, nông dân không thể đầu tư. Chưa kể, đèn đắt thế, thắp đêm còn dễ bị mất trộm.
GS.TS Nguyễn Quang Thạch, nguyên Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ: “Chúng tôi đang khao khát, mong muốn được sự hỗ trợ của các cơ sở chế tạo ra các sản phẩm nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng có bước sóng cũng như thiết bị đảm bảo được độ rọi ánh sáng để nghiên cứu, làm nông nghiệp công nghệ cao.Hiện đã có doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp thiết bị, vận hành hàng loạt nguồn sáng phát ra các bước sóng, lắp đặt chao đèn… Đây là cú hích để triển khai những nghiên cứu rất có ý nghĩa”. |
Theo Minh Phúc/Nông nghiệp VN